Thế giới

Đức đặt cược vào Ấn Độ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Thương Nguyệt 24/10/2024 - 07:26

Thủ tướng Đức Olaf Scholz dẫn đầu một phái đoàn cấp cao tới New Delhi tuần này, tin rằng việc tiếp cận nhiều hơn với thị trường Ấn Độ rộng lớn có thể làm giảm sự phụ thuộc của Đức vào Bắc Kinh.

Từ ô tô đến hậu cần, các công ty Đức phần lớn đều lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ, khai thác nguồn lao động trẻ có tay nghề cao, chi phí rẻ hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 7%.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Đức, khi nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của quốc gia này đang đối mặt với năm thứ hai suy thoái, cũng như lo ngại về tranh chấp thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các công ty Đức.

Bị tổn thương vì sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga trước khi xung đột Ukraine bùng phát, Đức đã theo đuổi chiến lược giảm thiểu tiếp xúc với Bắc Kinh.

“Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, là đối tác quan trọng của nền kinh tế Đức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đóng vai trò chủ chốt trong việc đa dạng hóa nền kinh tế Đức”, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết, ngày 23-10 (giờ địa phương).

ducando.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trao đổi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters

Volker Treier, Giám đốc Thương mại nước ngoài tại Phòng Thương mại Đức DIHK, cho biết đầu tư trực tiếp của Đức vào Ấn Độ đạt khoảng 25 tỷ euro (tương đương 27 tỷ USD) ở năm 2022, bằng khoảng 20% ​​khối lượng đầu tư vào Trung Quốc. Ông cho rằng tỷ lệ này có thể tăng lên 40% vào cuối thập kỷ và thị trường Ấn Độ sẽ trở nên quan trọng hơn đối với các công ty Đức.

“Nếu muốn giảm rủi ro, Ấn Độ chính là chìa khóa vì quy mô thị trường và động lực kinh tế của quốc gia này”, ông Volker Treier nhấn mạnh.

Theo Reuters, Thủ tướng Olaf Scholz cùng hầu hết thành viên nội các, bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 25-10, trước khi chủ trì vòng tham vấn giữa chính phủ hai bên.

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn KPMG và Phòng Thương mại Đức ở nước ngoài (AHK), các công ty Đức coi tình trạng quan liêu, tham nhũng và hệ thống thuế của Ấn Độ là những rào cản đầu tư.

Tuy nhiên, họ vẫn nhìn thấy tương lai tươi sáng ở Ấn Độ, với 82% số công ty kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trong năm 2025. Khoảng 59% công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, so với mức 36% ở năm 2021.

Năm 2023, thương mại giữa Đức và Ấn Độ đạt kỷ lục mới, dự kiến ​​sẽ vượt thương mại giữa Đức với Nhật Bản trong bối cảnh Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào cuối thập kỷ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đức đặt cược vào Ấn Độ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.