(HNMO) - Hàng năm, bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng, du khách thập phương lại rủ nhau trẩy hội chùa Hương, vừa để lễ bái, cầu nguyện, vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp non nước. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng, trong những ngày thu-đông, rừng núi Hương Tích lại thấm đượm vẻ thanh bình, cổ kính, hoang sơ, đem lại những trải nghiệm thực sự khó quên.
Trước kia, du khách đến trẩy hội thường đi thuyền theo dòng sông Đáy đến bến Đục nơi con suối từ Hương Tích hòa vào dòng sông mẹ rồi rẽ thuyền tiến vào quần thể danh lam “Nam thiên đệ nhất động”. Ngày nay, nơi du khách bắt đầu xuống thuyền trẩy hội là bến Yến.
Ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành.
Một chiếc thuyền bán hàng ăn uống gần khu vực Đền Trình. Trong những ngày này, lượng khách ít ỏi khiến những người bán có dịp nghỉ ngơi chút ít trước mùa lễ - vốn chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa sẽ bắt đầu.
Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chùa Hương luôn là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới, lễ chùa du xuân luôn là một hoạt động được ưa chuộng và một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt.
Xin sớ ở chùa Trình. Chùa Trình (Ngũ Nhạc) là nơi khách vào trình diện khi tới cảnh phật. Điểm du khách xuống đò đó chính là bến Yến bây giờ. Theo người già kể lại, trong những ngày hội thuyền ra vào tấp nập như bầy chim yến bay về tổ nên tên bến Yến cũng bắt đầu từ đó.
Tiếp tục xuôi theo dòng suối Yến để vào chùa Hương. Ít ai biết rằng ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị huỷ hoại trong kháng chiến chống pháp năm 1947, rồi được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Toạ Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích Thanh Chân.
Một nhóm du khách trẻ trên đò suối Yến.
Dọc theo hai bờ suối Yến, nhiều công trình đang được tôn tạo, xây mới nhằm đón mùa lễ hội năm 2016.
Tản Đà rất mến cảnh chùa Hương, ông làm nhiều câu thơ rất đặc sắc về cảnh và tình ở đây:Chùa Hương trời điểm lại trời tôMột bức tranh tình trải mấy ThuXuân lại xuân đi không dấu vếtAi về ai nhớ vẫn thơm tho.Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắtĐá hỏm hang đen tối tối mò.Chốn ấy muốn chơi còn mỏi gốiPhàm trần chưa biết, nhắn nhe cho.
Một người dân đánh bắt cá trên dòng suối Yến.
Một gia đình kinh doanh các món chim ven suối Yến tranh thủ gia cố lại nhà cửa.
Giữa khung cảnh nên thơ của núi rừng Hương Tích, dường như vạn vật đều trở nên thanh bình, yên ả.
Khác với những gì thường thấy trong mùa lễ hội, suối Yến mùa này thật thanh bình và yên tĩnh. Dọc hai bên bờ suối, những vạt lá đã ngả vàng xen lẫn hoa súng nở lấp lánh trên dòng suối như mời gọi ta lui tới chốn phiêu bồng.
Một chiếc xuồng chở tre xuôi theo dòng suối Yến.
Chùa Thiên Trù còn được gọi là Chùa Ngoài - tương ứng với chùa Hương trong động Hương Tích được gọi là Chùa Trong.
Suối Hổ Khê bên trong khuôn viên chùa Thiên Trù. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp đã đánh và ném bom vùng đất Hương Sơn 3 lần (1947, 1948 và 1950). Ngày 11 tháng 2 năm 1947 (tức năm Đinh Hợi) Tam Bảo và một số công trình đã bị giặc Pháp tàn phá. Trong suốt 15 ngày, Chùa Thiên Trù bị lửa thiêu không sao dập tắt nổi.
Quần thể Hương Sơn gồm 3 nhánh. Sau khi vào “trình” bạn có thể đi Tuyết Sơn ; Long Vân ; Hương Tích và phải mất 3 ngày du khách mới cảm nhận hết vẻ đặc biệt chỉ có ở đây. Xưa kia bao phủ khu vực Hương Sơn là những rừng mơ thơ mộng. Đầu xuân hoa nở trắng rừng, cuối hội du khách có thể mua về làm quà những quả mơ vàng ươm, thơm đượm hương núi.
Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn … Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.
Lễ hội chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng tới tháng 3 âm lịch được xem là lễ hội dài nhất trong năm. Ngoài khoảng thời gian này, không gian toàn bộ quần thể chùa đều trở lại vẻ đẹp thanh bình, cổ kính vốn có.
Sân thứ ba chùa Thiên Trù có tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.
Đường lên chùa Thiên Trù vắng vẻ ngày đầu đông, khác hẳn với những hình ảnh tấp nập, chen chúc thường thấy trong mùa lễ hội.
Chú tiểu lau chùi tượng sư tử trong sân chùa Thiên Trù.
Nằm giữa núi rừng linh thiêng, chùa Thiên Trù mang vẻ đẹp uy nghi, cổ kính với không gian thanh tịnh.
Lối dẫn lên ga cáp trêo chùa Hương. Sạch sẽ và vắng lặng.
Hàng quán kinh doanh tấp nập trong mùa lễ hội lại đóng cửa ỉm im trong những ngày này.
Cáp treo lên chùa Hương.
Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.
Sự vắng vẻ cùng với tiết trời se lạnh đầu đông khiến cảnh vật bên trong động trở nên âm u, huyền bí dưới màn sương.
Cầu thang dẫn vào chùa Hương trong động Hương Tích. Trên đường đi khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng Đụn Gạo rất độc đáo.
Lác đác người xin sớ trong những ngày này.
Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng thăm quan động và đặt tên cho động là “Nam Thiên đệ nhất động” tức động đẹp nhất trời Nam. Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với hình thù kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,…
Quán trà vắng khách ngày đông.
Cụ già câu cá ngay bờ suối Yến nơi cổng vào lối dẫn lên chùa Hương - cảnh hiếm thấy trong mùa lễ hội ồn ào, náo nhiệt.
Trong những ngày này, khách tới với Chùa Hương chủ yếu là khách quốc tế hoặc những bạn trẻ muốn tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ của thắng cảnh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.