(HNM) - Tuần qua, việc Bộ GD-ĐT chỉnh sửa những hướng dẫn chưa chuẩn và ban hành Thông tư liên tịch về việc thu, miễn, giảm học phí đã giúp các trường ĐH phần nào yên tâm thực hiện những quy định về học phí, chính sách ưu đãi... Đây vốn là vấn đề mà các trường còn lúng túng từ đầu năm học 2010-2011 cho tới tận thời điểm này, khi nửa học kỳ I đã trôi qua.
Loay hoay miễn, giảm học phí
Theo đánh giá của nhiều lãnh đạo các trường ĐH, Nghị định 49 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-7-2010) đã tháo gỡ một phần khó khăn cho các cơ sở giáo dục ĐH. Với mức học phí được tăng theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2015, các trường có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, việc Nhà nước cấp bù phần miễn, giảm học phí cho một số đối tượng đã xóa bỏ sự bất hợp lý lâu nay các trường phải gánh chịu.
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, cho tới giữa học kỳ I, Bộ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện khiến các trường gặp khó khăn khi triển khai. Thêm vào đó, công văn hướng dẫn số 5997 của Bộ về thực hiện miễn, giảm học phí đối với GD ĐH và GD nghề nghiệp bị cho là vượt quá thẩm quyền khi đưa ra đối tượng được miễn, giảm học phí bao gồm cả HSSV có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven sông và các thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong khi các đối tượng này lại không thuộc diện được miễn, giảm trong Nghị định 49. Về cơ chế thực hiện, công văn 5997 quy định các trường không thu học phí hoặc giảm học phí cho đối tượng được miễn, giảm, trong khi Nghị định 49 quy định đối tượng này sẽ được trực tiếp nhận phần tiền hỗ trợ miễn, giảm từ Nhà nước và vẫn phải đóng học phí đầy đủ cho nhà trường.
Đến tận đầu tháng 12, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí mới được ban hành. Trước đó, có trường phải từ chối thu học phí khi SV mang tiền đến nộp vì muốn chờ hướng dẫn. Có trường quyết định không thu của đối tượng được miễn, giảm theo công văn 5997. Một số trường vẫn phải tạm thu học phí theo quy định cũ để rồi sẽ xử lý lại sau khi có quy định cụ thể hơn...
Thế nào là "vượt khó"?
Bên cạnh việc miễn, giảm học phí, các chính sách ưu đãi, học bổng khuyến khích học tập, chính sách tín dụng đào tạo là một phần quan trọng của chủ trương đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục.
Lãnh đạo ĐH Huế cho biết: Theo quy định trước đây, quỹ học bổng khuyến khích học tập (HBKKHT) được bố trí bằng 15% nguồn thu học phí. Do mức thu học phí từ năm học 2009-2010 trở về trước còn khá thấp nên Quỹ HBKKHT không lớn, đặc biệt với các trường có nhiều SV thuộc diện được miễn, giảm học phí (hơn 30% ở ĐH Huế) thì nguồn quỹ này lại càng hạn hẹp. Nhưng kể từ năm học 2010-2011, do Nhà nước thực hiện cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho HSSV để họ đóng học phí đầy đủ ở trường nên quỹ HBKKHT và định mức học bổng cũng tăng lên rõ rệt, tạo động lực thúc đẩy để SV phấn đấu học tập. Tuy nhiên, đại diện Học viện Ngân hàng cũng nêu lên vướng mắc liên quan đến tiêu chí đánh giá để được nhận học bổng và kiến nghị: Cần có hướng dẫn cụ thể về xét cấp học bổng trong điều kiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Học viện Ngân hàng còn băn khoăn về chính sách trợ cấp xã hội đối với "HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó học tập" vì Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí như thế nào là "vượt khó học tập" nên cơ sở đào tạo chưa triển khai thực hiện trợ cấp xã hội đối với đối tượng này. Tương tự, lãnh đạo ĐH Huế cũng cho biết: Hiện nay, nhiều trường phải bỏ qua việc thực hiện chế độ trợ cấp xã hội cho SV thuộc hộ gia đình nghèo, bởi vì SV thuộc diện hộ nghèo được trợ cấp theo quy định phải là "vượt khó học tập", nhưng chưa có chuẩn như thế nào được gọi là "vượt khó học tập". Thêm một lý do khiến đối tượng này dễ bị thiệt thòi là tiền trợ cấp xã hội không có một khoản riêng mà được trích từ ngân sách hằng năm nên trường nào có đông SV thuộc gia đình nghèo (7,5% ở ĐH Huế) thì việc cho trợ cấp sẽ làm thâm hụt ngân sách cho các khoản chi khác. Thêm nữa, mức trợ cấp xã hội cho SV theo quy định hiện nay là quá thấp (100.000 đồng - 140.000 đồng/ tháng - quy định từ năm 1998), nên chăng trợ cấp xã hội là một chính sách của Nhà nước, vì vậy cần có một khoản dự toán riêng thay vì trích ra từ ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục của các trường.
Kiến nghị của ĐH Đà Nẵng nhận được sự đồng tình của đại diện nhiều trường: Khi học phí tăng lên thì học bổng cũng phải tăng theo. Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu và đưa ra danh mục thống nhất trong cả nước về những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để tạo thuận lợi cho việc thực thi các chính sách ưu đãi.
Đổi mới cơ chế tài chính, trong đó vừa tăng học phí, vừa thay đổi chế độ học bổng, cơ chế miễn, giảm học phí... là những chủ trương đúng nhưng mới. Những chệch choạc ban đầu là khó tránh nhưng để những ưu việt của chính sách mới phát huy được trong thực tiễn triển khai, Bộ nên tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với HSSV, từ đó có sự chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp và kịp thời. Đó là điều các cơ sở đào tạo mong mỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.