Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hết gian nan

Anh Minh| 25/06/2012 06:44

(HNM) - Hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành quy mô lớn, đã đi qua gần một nửa thời gian của năm kế hoạch 2012 và thể hiện thực trạng không mấy sáng sủa so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thực tiễn đã được dự báo ngay từ đầu năm, cần có hướng khắc phục, hạn chế đến mức tối đa...


Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại HTX Song Long (Hà Nội).Ảnh: Huy Hùng

Theo Bộ Công thương, sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may từ đầu năm đến nay tương đối ổn định nhưng mức tăng trưởng qua từng tháng không nhiều. Hiện các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với khó khăn về vốn, giá nguyên liệu đầu vào có chiều hướng tăng, chi phí nhân công tăng, nguồn nhân lực cũng có biểu hiện thiếu ổn định. Trong khi đó, đơn hàng chưa nhiều, ngược lại với thực tế thời điểm này của những năm trước. Nhìn chung, đơn hàng đã ký với đối tác mới đáp ứng việc làm đến hết tháng 6. Một số đơn vị cho biết, vẫn chưa tìm đủ đơn hàng cho quý III do các thị trường nhập khẩu tiếp tục cắt giảm số lượng hàng khiến nhiều DN, đặc biệt là DN quy mô vừa và nhỏ càng chật vật hơn trong việc duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho công nhân.

Sản lượng giấy các loại của Tổng Công ty Giấy đã giảm nhẹ, chỉ đạt 93,42% so với cùng kỳ 2011. Ngành giấy vẫn bị mất cân đối giữa nguồn nguyên liệu, bột giấy và công suất nên chưa tìm được thế ổn định. Các DN đang áp dụng một số biện pháp nhằm tiết giảm chi phí, tìm cách hạ giá thành sản phẩm như giảm mức tiêu hao năng lượng, chi phí quản lý, tiết kiệm nguyên liệu và ứng dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật...

Ngành da giày tương đối ổn định, nhưng phải bươn trải để tìm thêm đơn hàng cho các tháng cuối năm. DN ngành này vẫn chịu tác động mạnh mẽ từ một số thị trường nhập khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản bởi họ đang thay đổi cách thức mua hàng, yêu cầu cao về chuẩn chất lượng, môi trường… Vì vậy, các DN phải dần chuyển sang việc tìm kiếm đơn hàng từ thị trường Nam Mỹ kết hợp nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư vào sản xuất và cung ứng nguyên, phụ liệu da giày với các nước có tiềm năng như Ấn Độ, Brazil…

Ngành cơ khí, điện tử cũng không sáng sủa hơn và bị cạnh tranh quyết liệt từ phía DN các nước trong khu vực. Ngoài ra, các sản phẩm bị tồn đọng nhiều còn do đời sống của đa số dân chúng gặp khó khăn nên chủ động cắt giảm chi tiêu, đình hoãn mua sắm. Điều đó lý giải vì sao lượng ô tô và xe máy tiêu thụ vẫn tiếp tục giảm mặc dù DN sản xuất và hệ thống đại lý đồng loạt giảm giá, áp dụng các hình thức khuyến mãi để kích cầu.

Riêng ngành nhựa là tương đối sáng sủa, bởi sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần xuất khẩu. Bộ Công thương cho biết, thời gian gần đây, giá sản phẩm nhựa của ta đã có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu cũng đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm Việt Nam nên lượng đơn đặt hàng đã tăng đáng kể, nhiều DN đã có đơn đặt hàng tới hết tháng 8. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, riêng trong quý I, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 26,5%) và dự báo sẽ đạt kim ngạch là 400 triệu USD trong quý II. Nhật Bản vẫn là thị trường lớn nhất, Hoa Kỳ đứng thứ hai…

Các chuyên gia cho rằng, một biểu hiện khác của vấn đề sản xuất công nghiệp trong nước giảm sút là giá trị nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất công nghiệp 5 tháng qua đã suy giảm, bởi nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đầu vào chỉ ở mức "tầm tầm". Chính phủ, các bộ, địa phương đang triển khai một số giải pháp tổng thể nhằm hỗ trợ cộng đồng DN. Hy vọng, DN sẽ tận dụng sự tiếp sức đó, thoát dần khỏi tình trạng đình trệ, suy giảm hiện tại…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa hết gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.