(HNM) - Ở hầu hết các địa phương, sau 5 năm tăng cường công tác y tế trong trường học theo tinh thần Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khám, sơ cứu và phát hiện sớm các loại bệnh tật trong HS chưa thực sự được như ý muốn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có những bất cập trong việc quan tâm đến đội ngũ cán bộ y tế trường học (YTTH).
Công tác khám sức khỏe cho học sinh tại các trường học còn nhiều bất cập. Ảnh: Linh Ngọc |
Khám sức khỏe học sinh: nặng tính hình thức
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy công tác khám sức khỏe tại các trường học còn nhiều bất cập, do đó kết quả phát hiện sớm các loại bệnh học đường còn hạn chế. Thống kê từ các địa phương chỉ ghi nhận 3 loại bệnh tật của HS, gồm mắt học đường - chiếm 13,1%, răng miệng - 34,4% và cong vẹo cột sống chỉ có 4,4%. Số liệu thống kê khá khiêm tốn so với phản ánh thực trạng HS mắc các loại bệnh học đường từ các nhà trường bấy lâu nay. Tỷ lệ mắc bệnh học đường qua thống kê kết quả khám sức khỏe cũng thấp hơn so với kết quả nghiên cứu do các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện. Điều này cho thấy việc khám và phát hiện sớm các loại bệnh tật cho HS chưa được như mong muốn, thậm chí có nơi chỉ làm cho có. Việc phân loại thể lực của các em, để có hướng dẫn kịp thời về chế độ học tập, rèn luyện phù hợp cũng mang nặng tính hình thức, nguyên nhân chủ yếu là ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn của người khám và sự thiếu trang thiết bị cần thiết.
Hiện mới chỉ có 72% số trường phổ thông trên toàn quốc tổ chức khám sức khỏe đầu năm cho HS. Tỷ lệ trường có khám sức khỏe hằng năm cho HS cũng chỉ đạt mức 70,5%. So với 5 năm trước, chỉ số này chỉ tăng từ 2,5% đến 5%, quá chậm so với yêu cầu thực tế. Tổng hợp từ số liệu của khối các trường đào tạo cho thấy, nếu như năm 2006, tỷ lệ sinh viên được khám sức khỏe đầu năm học là 39,9% thì tới năm 2011, tỷ lệ này mới nhích lên mức 46%. Tình hình sinh viên được khám sức khỏe hằng năm còn ảm đạm hơn, chỉ đạt mức 25%. Đây thực sự là nỗi trăn trở lớn với những người quan tâm đến sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.
Cán bộ y tế trường học: yếu và thiếu
- Hiện có khoảng 68% số HS có sức khỏe loại I, tỷ lệ HS sức khỏe loại II là 23,2%, còn lại là loại III. - Tỷ lệ mắc tật khúc xạ hiện cao nhất ở khối THPT với 17%; tỷ lệ HS mắc các bệnh răng miệng cao nhất ở khối tiểu học: 43,9%; tỷ lệ HS bị cong vẹo cột sống cao nhất ở khối THCS: 5,2%. - 19,5% HS có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân do học tập căng thẳng và các xung đột về tâm lý, tình cảm. |
Theo số liệu báo cáo của các sở GD-ĐT và các nhà trường thì so với 5 năm trước, tỷ lệ cán bộ YTTH dù đã tăng song rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tỷ lệ cán bộ y tế chuyên trách trung bình ở các cấp học mới đạt 54,5%. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số này đều có trình độ đạt chuẩn theo quy định (từ trung cấp y trở lên), mà chỉ đạt khoảng 70%. Tỷ lệ cán bộ y tế làm công tác kiêm nhiệm tại các trường học dù đã giảm hơn trước, song vẫn ở mức cao (45,5%).
Tuy nhiên, đó là tỷ lệ trung bình của cả nước, còn ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, hầu hết cán bộ YTTH đều kiêm nhiệm, như ở Lạng Sơn là 65%. Cũng bởi kiêm nhiệm nên số người đảm nhiệm công tác YTTH thường xuyên thay đổi, việc cập nhật, nâng cao kiến thức bị ảnh hưởng. Còn tại các TP lớn như Hà Nội, số người làm kiêm nhiệm chỉ chiếm hơn 10% song tỷ lệ cán bộ YTTH làm việc theo diện hợp đồng chiếm tới 43%. Đến đầu năm học 2011-2012, các trường học của Hà Nội vẫn thiếu hơn 300 cán bộ y tế chuyên trách. Còn theo báo cáo của Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh, chỉ có gần 52% số trường có cán bộ chuyên trách về y tế; số cán bộ đạt chuẩn theo quy định mới chiếm khoảng 30%. Nhiều người không đạt chuẩn về trình độ nên không được tuyển vào biên chế, các nhà trường phải tự ký hợp đồng và trả lương. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới chất lượng hoạt động YTTH.
Thực tế tìm hiểu cho thấy cán bộ YTTH còn thiếu là do nguồn đào tạo cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu, hiện cả nước chưa có trường và mã ngạch đào tạo chuyên về YTTH. Mức lương thấp và chế độ đãi ngộ không thỏa đáng cũng là nguyên nhân khiến cán bộ y tế không muốn gắn bó với ngành giáo dục. TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác YTTH không được hưởng các chế độ chính sách của ngành y tế đối với cán bộ làm công tác y tế tại cơ sở, nên người làm công tác YTTH hầu hết không có bất cứ khoản phụ cấp nào ngoài lương. Nhiều người chỉ được hưởng lương hợp đồng trong các tháng của năm học, với mức lương chỉ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng/người nên trong thời gian HS, sinh viên nghỉ hè, nhiều người phải tìm việc làm thêm để cải thiện cuộc sống.
Thực tế cho thấy, cùng với việc tăng cường đầu tư thiết bị, nếu không có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ YTTH, lấp dần các khoảng trống về đội ngũ này thì chắc chắn hoạt động YTTH không thể đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.