(HNM) - Ngày 28-10, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức hội thảo về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tại đây, lãnh đạo các trường cũng như đại diện Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận xung quanh các vấn đề: Các trường đã được tự chủ đến đâu, đề thi đã đánh giá được trình độ
Không còn cảnh "học tài thi phận"
Theo ông Đặng Bá Lãm, Trưởng ban Nghiên cứu của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ, nói chung kỳ thi vừa qua đã có những thay đổi lớn theo hướng tích cực. Nhờ đó, thí sinh đỡ vất vả hơn, việc tuyển sinh đỡ nặng nề, tốn kém, các trường có nhiều lựa chọn cách tuyển sinh, tiến hành tuyển nhanh hơn… Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, trường duy nhất thực hiện phương án tuyển sinh riêng theo hướng đánh giá năng lực, cũng cho biết: Cách thi mới đã không còn để xảy ra chuyện "học tài thi phận". Hiện đã có 4 trường bên ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị được sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức để tuyển sinh.
Các thí sinh làm bài thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Viết Thành |
Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã phải huy động toàn bộ công sức của các trường hệ phổ thông và ĐH. Đó là do Bộ GD-ĐT giao việc không đúng, "ôm hết vào nhưng không làm được", trong khi lẽ ra phải tin vào các trường ĐH thì mới thoát cảnh bùng nhùng. Bởi các trường "đã đào tạo ĐH, đã cho tốt nghiệp được thì làm được tuyển sinh", PGS Cương nhấn mạnh.
Xoay quanh những đánh giá tích cực của Bộ GD-ĐT về kỳ thi, PGS Văn Như Cương cho rằng có những điểm chưa logic và chưa xác đáng. Theo đó, không có cơ sở để cho rằng cụm thi địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn cụm thi ĐH thì chứng tỏ là cụm thi địa phương nghiêm túc. Về đề thi, cấu trúc bài thi toán năm nay không có gì thay đổi so với những bài thi 10 năm qua. Do vậy nói rằng, đề thi phát huy kiểm tra đánh giá năng lực học sinh là không có cơ sở. Ông phân tích: Đề thi có 6 câu để đánh giá đạt tốt nghiệp và 4 câu thi ĐH sẽ đánh giá năng lực thế nào với 2 bài thi: 1 bài được 6 điểm + 0 điểm và 1 bài được 4 điểm + 2 điểm? Theo PGS Văn Như Cương, cùng được 6 điểm nhưng thí sinh làm bài thi thứ 2 giỏi hơn, đó là khó khăn khi kết hợp 2 yêu cầu, mục tiêu vào một kỳ thi.
Trước những nhận định nói trên, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh nêu quan điểm: Đề thi của kỳ thi vừa qua đồng tiến với những gì thí sinh đã học ở trường phổ thông, chuyển dần sang đánh giá năng lực với mức độ thể hiện khác nhau. Môn toán có thể như PGS Văn Như Cương đề cập, song nhìn chung đề thi năm 2015 đã được đưa vào những yêu cầu giải quyết thực tiễn. Đây là việc phải làm từng bước, dần dần. Về việc giao quyền tự chủ cho các trường, ông Mai Văn Trinh cho rằng: Bộ GD-ĐT không ép các trường phải căn cứ vào kỳ thi này để tuyển sinh. Trên thực tế có hơn 200 trường vừa tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi vừa có phương án riêng, mà nổi bật là ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nên hay không tổ chức nhiều đợt thi?
Chuẩn bị cho kỳ thi năm sau, ông Đặng Bá Lãm cho rằng: Cần lựa chọn môn thi thế nào để học sinh quan tâm tới học toàn diện các môn của chương trình giáo dục phổ thông và có định hướng rõ về con đường tương lai. Cách ra đề thi cần đánh giá được trình độ học sinh đại trà, đạt trình độ tốt nghiệp, đồng thời xác định được những học sinh có năng lực cao hơn lựa chọn vào các mục đích khác. PGS Văn Như Cương đưa ra ý kiến cụ thể hơn: Với môn toán, học sinh thi để học toán khác với để trở thành giáo viên toán hay để làm ngân hàng, làm thủy lợi. Các trường phải tự chủ ngay cả đề thi để đúng với mục đích đào tạo của mình.
Về công tác tổ chức thi và tuyển sinh, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH Lâm Quang Thiệp kiến nghị: Tuyển sinh ĐH nên để các trường tự chủ, không nên quy định điểm sàn, vì mỗi trường đào tạo theo yêu cầu của mình. Về phương hướng cải tiến kỳ thi, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ đề nghị tất cả các môn thi đều làm trắc nghiệm, riêng ngữ văn và toán làm tự luận thêm 30 phút. Số môn thi cần giảm đi, trong đó có 2 môn tổng hợp (chứ chưa phải tích hợp) bao gồm nhiều môn riêng. Điều này là hoàn toàn có thể làm được trong tình hình giảng dạy hiện nay. Thời gian thi cũng có thể rút ngắn trong vòng 2 ngày và một năm có thể làm hai kỳ thi hoặc nhiều hơn. Dịch vụ thi nên do Nhà nước tổ chức hoặc tổ chức nào đó được Nhà nước tin tưởng cho tổ chức.
Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng cho rằng, năm 2016 vẫn nên tổ chức theo hướng vừa qua, giúp thí sinh đỡ tốn kém, tránh được thủ tục không cần thiết. Ông Lê Trường Tùng đề xuất: Nên thành lập một nhóm các trường chưa đủ khả năng tuyển sinh tự chủ để tạo sân chơi riêng. Thí sinh đăng ký nguyện vọng, một phần mềm sẽ ra kết quả trúng tuyển trong nhóm và thí sinh nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ có thể được tự động sắp xếp sang trường khác cùng nhóm. Như vậy cả các trường và thí sinh đều tiết kiệm được công sức, khắc phục được tình trạng thí sinh phải rút ra nộp vào hồ sơ để xin xét tuyển sang trường khác. Theo ông Tùng, nếu Hiệp hội "phất cờ" thì sẽ có không ít trường tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.