Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hài hòa giữa cấm và... quản

Tuệ Diễm| 21/08/2015 07:27

(HNM) - Trước đây, chúng ta đã có lệnh cấm không được quay phim, chụp ảnh trên thủy phi cơ đã khiến cho doanh nghiệp du lịch thua lỗ vì du khách không mặn mà.


Cứ ghi hình là phải xin phép?

Trước quy định người dân muốn sử dụng flycam phải được cấp phép, người chơi, sử dụng flycam (phần nhiều là giới làm phim, nhiếp ảnh) tỏ ra khá bức xúc.



Chơi flycam gần 10 năm, anh Trần Quốc Vinh, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh nhận nhiều lời mời tham gia chụp ảnh, quay phim cho các MV ca nhạc, bộ phim ngắn. Nhưng hiện tại, anh đang phải dừng nhận hợp đồng mới vì lệnh cấm vừa được ban hành. "Nhóm chúng tôi trực thuộc CLB Hàng không phía Nam, trực thuộc Sư đoàn Không quân 370 cách đây 15 năm rồi. Được đào tạo bài bản và dày dạn kinh nghiệm để chơi flycam nhưng hiện tại vẫn phải ngồi chờ giấy phép, chứ chưa biết làm gì" anh Vinh phân trần.

Cũng theo anh Vinh, là người am hiểu về quy định hàng không, nên anh ủng hộ với chủ trương quản lý flycam của Bộ Quốc phòng. Để bảo đảm an toàn trong sử dụng flycam, chúng ta nên có quy định quản lý thiết bị bay trên không. Vì thực tế, việc sử dụng flycam, máy bay mô hình tràn lan ở Việt Nam như hiện nay có thể gây ra thảm họa như va vào đường dây cao thế, rơi vào kho xăng dầu, rơi trên đường cao tốc, rơi xuống khu dân cư đông đúc… gây ra những tai nạn khó lường.

Tuy nhiên lại cũng có nhiều ý kiến phản đối. Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, một chiếc flycam chỉ nhẹ bằng con diều, có tầm bay dưới 100m và không được bay gần khu vực sân bay, khu quân sự nên việc đe dọa an ninh hàng không thì e rằng khó có thể xảy ra. Mặt khác, theo số đông các đạo diễn, quay phim, trước kia, flycam được quản lý tại địa phương, các đoàn làm phim muốn quay phim thì cần xin phép đơn vị địa phương, cấp phường, xã nơi tiến hành ghi hình. Giờ phải xin giấy phép ở đơn vị Bộ Quốc phòng, vô tình gây khó về thời gian và cả cách quản lý. Một đạo diễn chương trình truyền hình cho biết: "Bộ Quốc phòng quy định phải xin giấy phép ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và muốn bay ở đâu thì giấy phép chỉ cho bay ở đó, bay nơi khác không được. Theo quy định này không lẽ mỗi tập phim cần 3-4 bối cảnh quay trên không, tại 3-4 địa điểm lại phải xin 3-4 giấy phép".

Nhiếp ảnh gia Na Sơn, người chơi flycam lâu năm thừa nhận: "Đa phần chúng tôi thực hiện quay phong cảnh vùng xa khu dân cư nên flycam không gây nguy hiểm. Còn vấn đề an ninh quốc phòng thì các vùng cấm bay như biên giới, khu vực quân sự thì đã có biển cấm bay rồi. Chúng ta không cần "đẻ" thêm luật nữa, vì thực tế tất cả đã có quy định rồi". Ông cũng bày tỏ sự e ngại, bất cập mà việc cấp phép đưa lại như đoàn phim xin được giấy phép, nhưng ngày quay thời tiết xấu, ánh sáng không bảo đảm phải lùi sang ngày khác thì liệu có phải quay lại xin phép lần nữa hay không.

Thêm một bất cập nữa, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Quốc phòng chưa xây dựng được bộ tiêu chí nào để cấp phép, nên người chơi flycam đang lo lắng với quy định mới. Quay phim Đào Anh Tuấn - Đài Truyền hình kỹ thật số VTC cho rằng: "Sử dụng flycam ở TP Hồ Chí Minh phải xin phép ở Hà Nội vậy chắc tối thiểu một tuần mới có được giấy phép. Nếu quy định như vậy sẽ rất khó khăn cho hoạt động tác nghiệp báo chí. Cho đến hiện tại, bộ tiêu chuẩn như thế nào để được cấp phép vẫn chưa ban hành… thì chắc còn lâu mới có phép".

Hoàn toàn có thể quản lý được

Theo nhiếp ảnh gia Na Sơn, có chăng ngành chức năng đang nhầm lẫn giữa máy bay mô hình và thiết bị flycam. Cụ thể là máy bay mô hình, tùy loại thiết kế bay được độ cao 500-1.000m trở lên. Trong khi đó, thiết bị flycam bay ở tầm thấp dưới 100m. Trên thực tế, ngành chức năng hoàn toàn có thể quản lý flycam mà không cần phải giấy phép rườm rà.

"Tại Mỹ và một số quốc gia khác, flycam cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, họ vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng. Nước Mỹ có nhiều cách trực tiếp quản lý người chơi flycam về mặt kỹ thuật. Theo đó, trong máy đã cập nhật danh phận vùng cấm bay, khi bật máy lên thì GPS đã định sẵn, thiết bị này sẽ làm cho máy bay không thể bay lên được ở những vùng cấm. Ngoài ra, nước Mỹ quy định rõ, các thiết bị flycam khi bay dưới 200fit (tương đương 60m) bay vào ban ngày thì không cần phải xin phép. Việt Nam cũng có thể học tập cách quản lý này, để tạo điều kiện thuật lợi cho người chơi" - Nhiếp ảnh Na Sơn nói.

Đạo diễn Bùi Dũng Tuấn cho rằng, nguyên nhân của sự bất cập trong các quy định mới xuất phát từ cấp quản lý. "Không nhất thiết phải mở thêm một bộ phận ở Cục Tác chiến để chuyên đi cấp phép flycam. Đơn vị cấp phép ở tận Hà Nội, trong khi người chơi flycam ở toàn quốc thì vấn đề theo dõi, xử phạt người sai phạm sẽ như thế nào? Nếu chúng ta không có một hệ thống quản lý rõ ràng, tôi e rằng rất dễ dẫn đến việc người dân không chấp hành, lách luật".

Nhiều đạo diễn, giới làm phim đều có chung một ý kiến, chúng ta cần rạch ròi quản lý flycam như quản lý xe máy, không đánh đồng giữa xe máy nhỏ và xe máy phân khối lớn. Chúng ta chỉ việc đăng ký sử dụng thiết bị ghi hình trên không như đăng ký mua xe máy chứ đi xin phép cho mỗi lần bay thì rất vất vả. Theo ý kiến số đông, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) nên rút ngắn cấp quản lý, nên để cấp địa phương giám sát và được quyền chế tài xử phạt người chơi flycam trái phép thì luật sẽ dễ thực thi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa hài hòa giữa cấm và... quản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.