Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của nhiều doanh nghiệp là tìm kiếm giải pháp công nghệ số ứng dụng vào quá trình vận hành nhằm tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hiệu suất công việc cũng như tạo đột phá về doanh thu. Chính vì thế, sàn thương mại điện tử oneSME - nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do VNPT nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong thực tiễn đã sớm thỏa mãn phần nào “cơn khát” công nghệ số của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thời điểm Nghị quyết số 57-NQ/TƯ đang triển khai thực hiện sâu rộng.
Trải nghiệm chuyển đổi số “dễ như trở bàn tay” với oneSME
Tranh thủ trong lúc ngồi cà phê, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Marketing, Công ty Giải pháp công nghệ V-FAST tranh thủ cầm điện thoại truy cập địa chỉ https://onesme.vn và chỉ với vài thao tác đơn giản đã có thể hoàn tất việc đăng ký mua gói dịch vụ cáp quang tốc độ cao cho doanh nghiệp của mình.
Sau khi trải nghiệm, ông Tuấn vui vẻ cho biết: “Đối với những người làm kinh doanh như chúng tôi thì thời gian thương thảo ký kết hợp đồng và kết quả của hợp đồng là điều đáng quan tâm nhất. Sau khi nghiên cứu hệ sinh thái của sàn thương mại điện tử oneSME và trải nghiệm mua dịch vụ ở trên oneSME, tôi cảm thấy hài lòng. Bởi sau khi mua dịch vụ thì chỉ mất vài giây là có thể sử dụng ngay được dịch vụ mình cần. Điều này giúp doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm tối đa thời gian”.
Công ty cổ phần Công nghệ tài chính toàn cầu GFTech cũng ghi nhận những thay đổi tích cực khi chuyển các sản phẩm bảo hiểm điện tử của công ty lên trên sàn thương mại điện tử oneSME.
“Chúng tôi đã chuyển đổi toàn bộ kênh phân phối truyền thống. Cụ thể, thay vì phải có người giao nhận tới từng địa phương, tới từng cô bán hàng nước thì giờ đây chúng tôi không cần phải bố trí nhân sự làm những phần việc đó nữa. Việc hợp tác với oneSME đã giúp công ty cắt giảm được khâu phân phối trung gian. Đồng thời, chúng tôi còn có thể phát triển mạng lưới phân phối cho chính mình và các đối tác trên toàn quốc nhờ mạng lưới bao phủ rộng khắp của VNPT trên 63 tỉnh, thành phố”, anh Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc GFTech chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ABSoft cho biết, từ khi đưa các dịch vụ tư vấn quản trị doanh nghiệp lên oneSME vào tháng 8-2023, doanh nghiệp đã tiếp cận thêm được nhiều khách hàng và mở rộng thị trường. Đây là một kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả cho doanh nghiệp.
oneSME - Vì sao được coi là giải pháp đột phá trong chuyển đổi số của doanh nghiệp?
Sàn thương mại điện tử oneSME không chỉ cho phép khách hàng lựa chọn và đăng ký các sản phẩm, dịch vụ viễn thông trực tuyến, mà còn là kênh tiếp thị quảng bá tới các khách hàng, đối tác trực tiếp hơn, rộng rãi hơn. Đặc biệt, với nhiều sản phẩm hoàn toàn trực tuyến, nó còn bảo đảm tính pháp lý minh bạch giúp hoạt động quản lý hồ sơ của doanh nghiệp trở nên đơn giản, thuận tiện hơn so với các phương pháp truyền thống.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhà X4 cho biết, trước đây, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hồ sơ giấy, tốn nhiều thời gian và nhân lực... Từ khi sử dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử trên oneSME, việc quản lý trở nên đơn giản, nhanh chóng và bảo mật tốt hơn.
Hiện nay, oneSME cung cấp gần 100 sản phẩm, không chỉ từ VNPT mà còn từ hơn 20 đối tác uy tín. Dự kiến năm 2025, nền tảng sẽ mở rộng hệ sinh thái, bổ sung danh mục sản phẩm, nâng cấp công nghệ AI để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, hướng tới mục tiêu đạt 500.000 tài khoản hoạt động thường xuyên và phát sinh đơn hàng. oneSME sẽ tập trung hướng tới xây dựng hệ thống công cụ tiếp thị liên kết, giúp các doanh nghiệp dễ dàng phát triển kênh bán hàng trực tuyến… Riêng năm 2024, tổng lượng giao dịch trên oneSME đạt khoảng 600 tỷ đồng.
Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ đã ban hành và thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, VNPT tập trung triển khai một số nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới. Cụ thể, trong năm 2025, VNPT tiếp tục phủ sóng 5G diện rộng, với khoảng 20.000 trạm 5G phủ sóng 63 tỉnh, thành phố, tạo hạ tầng kết nối nhanh, mạnh, bảo đảm ứng dụng công nghệ số hiệu quả cho các cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, VNPT đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng vào nhiều giải pháp, trong đó có oneSME, tạo ra một hệ sinh thái số toàn diện, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số vừa nâng cao hiệu suất hoạt động, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam phát triển bền vững theo đúng định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ.
Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ban hành xác định: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia. “Do đó, VNPT và các doanh nghiệp công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ đến các ngành kinh tế khác, từ y tế, giáo dục, đến nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với kinh nghiệm tham gia các dự án chuyển đổi số quốc gia, VNPT sẵn sàng tư vấn, góp ý chính sách bảo đảm cho sự đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.