Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa có nhận thức đúng, đừng trùng tu, tôn tạo!

Thế Phương| 06/03/2014 06:31

(HNM) - Cách đây hai hôm, đoàn công tác của Sở VH-TT&DL Hà Nội đã kiểm tra thực tế tại đền thờ và lăng mộ vua Ngô Quyền (Đường Lâm - Sơn Tây) sau khi có những thông tin gây tranh cãi trong quá trình triển khai dự án trùng tu tôn tạo di tích này.

Rất nhiều vấn đề đã được làm rõ, "điểm nóng" cần sớm giải quyết là tấm bình phong mới được dựng trước lăng mộ nhà vua.

Theo GS Trần Lâm Biền - người tư vấn xây dựng bức bình phong thì hình hổ trên tấm bình phong này thiếu tính mỹ thuật, cần được đắp lại. Các nhà quản lý di tích thì cho biết, công trình chưa nghiệm thu nên đơn vị thi công sẽ phải làm cho đến khi đạt yêu cầu...

Bảo tồn di sản, trùng tu, tôn tạo di tích đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, người làm nghề phải lĩnh hội và vận dụng nhuần nhuyễn tri thức từ ba lĩnh vực khoa học và thực tiễn: Lịch sử và khảo cổ học, văn hóa và mỹ thuật, kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Theo một nhà quản lý lâu năm về lĩnh vực này, sau khi được đào tạo trở thành kiến trúc sư (cũng có thể là chuyên ngành khác), người làm công tác trùng tu, tôn tạo di tích phải được bổ sung các kiến thức về lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản… mới có thể đứng vững trong nghề. Nếu không, chỉ một quyết định thiếu chính xác, chính họ sẽ làm tan biến các giá trị nghệ thuật và tôn giáo của di sản.

Muốn trùng tu, tôn tạo một di tích, trước hết phải trả lời được những câu hỏi như: Phục nguyên hay duy trì địa điểm lịch sử? Duy trì di tích ở dạng hiện hữu hay khôi phục từng phần? Giữ lại thành phần nào, loại bỏ thành phần nào của di tích?... Cùng với đó là các giải pháp khoa học mang tính liên ngành và chuyên sâu đối với từng lĩnh vực liên quan. Mỗi quyết định đưa ra đều có thể ảnh hưởng tới thân phận di tích, do vậy, không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm của người lâu năm gắn bó với di sản hoặc thuận theo ý kiến số đông mà nhất thiết phải có sự tham vấn hoặc trực tiếp tham gia của các nhà bảo tồn chuyên nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trực tiếp quyết định sự thành công hay thất bại của một dự án trùng tu, tôn tạo di tích.

Tuy nhiên, yếu tố này dường như đang bị xem nhẹ và cũng phải nói rằng đội ngũ làm công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích đạt đến trình độ chuyên nghiệp ở nước ta không nhiều, nếu không muốn nói quá ít so với số lượng di tích đang xuống cấp nghiêm trọng trên mọi miền đất nước. Cũng một phần vì vậy, việc trùng tu di tích ở nhiều nơi vẫn do các đơn vị xây dựng cơ bản đảm nhiệm, thậm chí người trực tiếp thực hiện là những thợ hồ, thợ xẻ xuất thân từ nhiều làng quê. Hậu quả là đình Yên Phụ (Hà Nội) hạ giải toàn bộ cột gỗ thay bằng cột bê tông, thành nhà Mạc (Tuyên Quang) sau khi trùng tu giống hệt "cái lò gạch"… So với những câu chuyện như vậy, có lẽ sai lầm mang tính "kỹ thuật" tại đền thờ và lăng mộ vua Ngô Quyền chưa thấm vào đâu bởi còn có cơ hội sửa chữa.

Dẫn lại những sự việc như vậy để thấy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn di sản là hết sức cần thiết. Nếu các nhà quản lý, những người trực tiếp tham gia công việc này không tư duy và hành động trên cơ sở nhận thức rõ bản chất của bảo tồn thì việc "làm mới", hoặc "tàn phá" di tích tiếp tục là "chuyện thường ngày...". Một kiến trúc sư lão luyện trong lĩnh vực bảo tồn di sản nói đại ý: Chỉ những người làm chủ được tri thức lịch sử - văn hóa, có sự thận trọng của nhà khảo cổ học và bàn tay khéo léo của bác sĩ phẫu thuật mới có thể đem lại cho di tích những giá trị vượt thời gian. Điều này thật sự có lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa có nhận thức đúng, đừng trùng tu, tôn tạo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.