Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ trương lớn đang thành hiện thực (tiếp)

Phi Long| 14/09/2014 05:37

(HNM) - Những con tàu bằng vỏ thép lớn với trang thiết bị hiện đại, những tổ đội đánh cá chuyên nghiệp cùng vươn khơi, đánh bắt tại những ngư trường lớn vốn là ước mơ bấy lâu của ngư dân cả nước đang từng bước trở thành hiện thực.

Đến thăm gia đình anh Phạm Văn Tuyên, ngư dân đầu tiên của Nam Định có tàu vỏ sắt, anh Tuyên cho biết, anh là ngư dân đầu tiên thí điểm hoán đổi tàu vỏ gỗ 200 CV sang tàu vỏ thép 600 CV được Nhà nước hỗ trợ vốn. Kể từ khi nhận tàu (tháng 1-2014), tàu của anh đã ra khơi, đi biển được 9 chuyến, trong đó có 2 chuyến hòa vốn do gặp áp thấp nhiệt đới, biển động ít cá và 7 chuyến còn lại có lãi. "Trừ tất cả các chi phí cũng để ra được một ít làm vốn", anh Tuyên vui vẻ cho biết.

Tàu Sang Fish 01 của ngư dân Phan Bé chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.


Ngồi trên tàu, anh Tuyên kể về ý nghĩa của cái tên Hải Âu 01. Đó là vì bao năm đi biển bằng tàu vỏ gỗ, nay có tàu vỏ thép, anh muốn con tàu của mình như những con chim hải âu vẫy vùng trong sóng gió, Với người đi biển hải âu còn được gọi là "chim báo bão". Nói rồi, anh say sưa kể về tính năng ưu việt của con tàu mới: "Tàu của gia đình tôi đánh cá ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, vùng biển Bạch Long Vĩ. Hải Âu 01 là loại tàu lưới rê được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) thiết kế chuẩn với khả năng ướp lạnh tốt và khoang chứa rộng. Tàu có công suất lớn, thiết kế hiện đại với nhiều tính năng chịu được thời tiết khắc nghiệt nên phù hợp với những chuyến đi biển dài ngày".

Với kinh nghiệm 16 năm đi biển bằng tàu cá vỏ gỗ, anh Tuyên bảo, nếu không có Nhà nước hỗ trợ vay vốn đóng tàu, những ngư dân như anh không dám mơ tới tàu vỏ thép vì vốn đóng tàu này gấp 3 lần tàu vỏ gỗ. Với tàu vỏ thép, chúng tôi có thể đi biển thời gian dài gấp hai lần tàu gỗ. Chi phí nhiên liệu nếu tính theo tấn tải trọng cũng thấp hơn, vùng biển đánh bắt được mở rộng, khả năng trúng mẻ cũng cao hơn". Anh Tuyên nói.

Đối với anh Phan Bé, một trong hai ngư dân đầu tiên ở Quảng Ngãi sở hữu tàu cá vỏ thép thì mơ ước cháy bỏng bấy lâu của anh cũng đã thành hiện thực. Để đi đến quyết định bán tàu gỗ đang sử dụng, đóng mới tàu vỏ thép với anh Phan Bé là hành trình dài lưỡng lự với biết bao điều toan tính. "Tôi đã chứng kiến không ít tàu gỗ bị sóng gió đánh chìm trên biển. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, tàu vỏ thép sẽ là điểm tựa để ngư dân chúng tôi vươn khơi bám biển", anh Bé hồ hởi nói.

Đứng trên khoang lái, quay nhẹ vô lăng, hướng tàu Sang Fish 01 về âu cảng, nghe tiếng động cơ nổ giòn, anh Bé cười tươi khoe với chúng tôi, máy tàu do chính tay anh lựa chọn. Anh bảo: "Tàu của tôi có công suất máy 750 CV, gần gấp đôi tàu gỗ trước đây, có thể đi xa ít nhất 200 hải lý. Thân tàu hoàn toàn kín nước nên dạn dày sóng gió. Tàu chạy được 11 hải lý/giờ, mức tiêu hao nhiên liệu ít hơn hẳn so với tàu gỗ cùng loại. Trên tàu còn trang bị hệ thống máy định vị, máy dò cá nữa…".

Ngư dân Trần Văn Châu ở xã Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định cũng vừa chính thức nhận chiếc tàu đánh cá vỏ thép trị giá 5 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (Nam Định). Ngay sau lễ bàn giao, chủ tàu bước vội lên khoang lái bấm hồi còi vang cả khúc sông. Chuyện với phóng viên, anh Châu nói rằng đã ra biển thì tính mạng của ngư dân là quan trọng nhất. Với chiếc tàu vỏ thép việc khai thác cá sẽ hiệu quả, an toàn và hơn nữa là chống chịu được thời tiết khắc nghiệt. Ngồi trên con tàu vững chãi, ngư dân tự tin hơn mỗi khi gặp tàu nước ngoài, không phải lo né tránh vì thấy tàu mình quá nhỏ nhoi.

Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có đội tàu đánh bắt cá trên biển hùng hậu, ngư dân dạn dày kinh nghiệm và hoạt động khắp các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đây cũng là địa phương được Chính phủ chọn làm tỉnh tiên phong để thực hiện đề án đóng mới 22 tàu vỏ thép.

Ngư dân Mai Thành Văn, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là một trong số những người đầu tiên được bàn giao tàu cá vỏ thép do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ðóng tàu Nha Trang (thuộc SBIC) thi công. Tàu mang tên Hoàng Anh 01, có chiều dài 25,2m, chiều rộng 7,5m, cao 3,6m, công suất trên 900 CV, tổng trọng tải khoảng 120 tấn, với 6 khoang chứa cá, 2 khoang chứa thiết bị, ngư cụ, 1 khoang chứa thực phẩm, thức ăn phục vụ trên tàu. Ngoài các tính năng vượt trội so với tàu vỏ gỗ, trên tàu cá vỏ thép của ông còn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hàng hải như la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, nên bảo đảm an toàn và kéo dài thời gian hoạt động trên biển.

"Giờ có tàu to rồi, đâu có sợ gì nữa chú. Khi xưa đánh bắt bằng tàu nhỏ mà gặp những luồng cá lớn thì chỉ đánh được một nửa đã lại phải vô (vào) bờ rồi. Giờ có tàu vỏ thép nếu gặp bãi cá 50 tấn, tôi sẽ đánh hết luôn. Tàu này có hệ thống hầm cấp đông nên giữ nhiệt rất tốt. Sau khi khai thác, sản phẩm mình đánh ra được bảo quản tốt hơn, vào bờ sẽ bán được giá cao hơn", ông Văn hào hứng nói với chúng tôi.

Thời gian qua, ngư dân cả nước đã thực sự rất quan tâm đến những chiếc tàu cá vỏ thép và chú ý tìm hiểu về mô hình này. Như trường hợp của anh Tôn Thất Vỹ, ngư dân huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khi nghe được thông tin về kế hoạch đóng tàu cá vỏ thép do SBIC khởi xướng, anh bán tín bán nghi, từ Quảng Bình, lặn lội tìm đến Công ty Đóng tàu Sông Đào ngoài Nam Định, để tìm hiểu, tận "mục sở thị" mới yên tâm. Gặp chúng tôi tại phòng chờ đăng ký hồ sơ, anh Vỹ cho biết: Nghề đi biển của gia đình anh là nghề "cha truyền con nối". Hơn 10 năm bám biển cũng là từng ấy năm anh đau đáu nghĩ phải có tàu vỏ thép để tăng khả năng chống chọi với sóng gió, bất trắc trên biển, giúp tổ đánh bắt cá của anh vươn khơi xa hơn.

Sau khi được tận mắt thấy mô hình tàu do Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào đóng, hiểu được các tính năng ưu việt của tàu vỏ thép, anh Vỹ đã không ngần ngại ký hợp đồng đóng mới 1 tàu vỏ thép với công ty này. "Tôi mong ngóng con tàu hoàn thành đúng tiến độ để kịp đi biển vào mùa cá cuối năm" - Anh Vỹ hồi hộp nói.

Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Trong tương lai gần, những con tàu gỗ truyền thống công suất nhỏ sẽ được thay thế bằng những chiếc tàu cá lớn vỏ thép rẽ sóng vươn khơi xa, giúp các ngư dân yên tâm đánh bắt, làm giàu trên vùng biển quê hương. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC khẳng định: Tổng công ty sẽ triển khai các dịch vụ hậu mãi, sửa chữa, bảo dưỡng ở tất cả các nhà máy của SBIC trên dọc bờ biển của đất nước. Trong tương lai, SBIC kiến nghị với Bộ Giao thông - Vận tải và Chính phủ cho phép đầu tư các trạm dịch vụ sửa chữa, căn cứ hậu cần nghề cá ở các đảo như Cồn Cỏ, Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo và một số đảo khác để khi chủ tàu cần bảo dưỡng, sửa chữa thì không phải vào đất liền nhằm hạn chế tốn kém. Bên cạnh đó, SBIC còn thiết kế một mẫu tàu dịch vụ nghề cá, có công suất lớn để cung cấp nước đá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm và đặc biệt có thể thu mua sản phẩm mà bà con đánh bắt ngay trên biển để chế biến, bảo quản tại chỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ trương lớn đang thành hiện thực (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.