(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa đưa ra thảo luận hai dự thảo Quy định về cấp giấy phép quy hoạch và Quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc đối với các công trình hai bên đường đô thị.
Thông qua báo chí, dư luận hoan nghênh chủ trương của chính quyền thành phố, thể hiện quyết tâm chỉnh trang kiến trúc đô thị của Hà Nội trong thời gian tới bằng những thể chế có tính ràng buộc, tiếp tục công khai, minh bạch hóa việc quản lý đô thị của Thủ đô.
Sở dĩ ở các thành phố lớn giá đất có những cơn sốt khủng khiếp là do kỷ cương chưa nghiêm. Sự chưa nghiêm này có nguyên nhân từ những cơ quan và con người có trách nhiệm. Khi quản lý đất đai và nhà ở không minh bạch, nhất quán sẽ làm nảy sinh những thông tin kín kín, hở hở; những tin đồn không có căn cứ, thổi bùng lên những cơn sốt đất ảo, việc lợi dụng công việc và chức vụ để trục lợi, tham nhũng từ địa ốc, cả việc hình thành lớp "cò" dự án, "cò" đất để kiếm lời. Tại một số thành phố lớn, các dự án, quy hoạch lại "treo" quá lâu, có trường hợp từ khi được công bố đến khi thực hiện mất tới cả chục năm, giá cả, thực trạng đã thay đổi hết, nhà đầu tư rơi vào tình trạng tiến lui đều khó, không làm không được mà làm thì tiền đền bù quá đắt, nhiều trường hợp bằng 60-70% tiền xây dựng công trình. Công bố hướng xây dựng quá sớm quy hoạch luôn thay đổi, thực hiện lại chậm, thiếu công khai, đã vậy quy hoạch còn không được rà soát lại kịp thời. Đội ngũ thanh tra quy hoạch, xây dựng mỏng và yếu. Về phía người dân, ý thức đóng góp phần mình vào việc xây dựng, phát triển đô thị còn hạn chế. Qua hàng trăm vụ việc, người ta chỉ thấy sự đòi hỏi, trì hoãn, gây căng thẳng về phía người có đất và cũng không ít hiện tượng lợi dụng các dự án, quy hoạch để sang nhượng, buôn bán kể cả có dấu hiệu lừa đảo để kiếm lời.
Việc chỉnh trang, quy hoạch lại, xóa bỏ các căn nhà được gọi là "siêu mỏng, siêu méo" ở một số thành phố cũng có nguồn gốc tương tự. Trước đây, do tư duy chỉ nghĩ đến đường, không nghĩ đến phố nên để xảy ra chuyện hình thành theo con đường mới nhiều hệ lụy xã hội khiến sau khi mở đường, người thì giàu lên bất ngờ, người không còn đất đai, nghề nghiệp và đã nảy sinh không ít khó khăn. Nhà siêu mỏng, siêu méo là do không chỉ giá đất từ chục triệu vọt lên hàng trăm triệu một mét vuông, đó còn là nơi sinh sống, làm ăn của nhiều người. Nhà nước phải quản lý không chỉ đường mà còn quản lý cả phố hai bên đường mới mở. Lấy tiền thu từ đất hai bên đường để bù vào sự tốn kém của ngân sách, đồng thời chủ động quy hoạch về kiến trúc là một chủ trương đúng, phù hợp với lòng dân. Điều còn lại là cần ngăn chặn tình trạng khuất tất, tham nhũng nảy sinh từ chủ trương này nữa mà thôi.
Hiện nay, vấn đề đặt ra tại các thành phố lớn ở nước ta là khi xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" đã có, cần có những quy định cụ thể, sát hơn với thực tế. Qua thanh tra, kiểm tra ở một số quận thành phố, thấy rằng chỉ hợp khối, thu hồi đất để làm bảng tin, trụ sở tuần tra dân phố, trạm biến thế… thì chưa đủ, thậm chí không giải quyết được vướng mắc. Vì vậy, dự thảo Quy định về cấp giấy phép quy hoạch và Quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc đối với các công trình hai bên đường đô thị mà UBND TP Hà Nội thảo luận, rất được hoan nghênh. Điều cần thảo luận kỹ hơn nữa là những biện pháp cụ thể phải như thế nào. Chủ trương đúng, càng cần biện pháp cụ thể, là vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.