(HNM) - Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, nhưng chưa thực sự gắn bó và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề kinh tế tri thức và phát triển kinh tế tri thức đã được Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh như một chủ trương lớn trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII lại chưa được đề cập một cách cụ thể. Trong khi đó, quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Yêu cầu của chiến lược là phải chú trọng phát triển theo chiều sâu, gắn với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý, nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, chất lượng cạnh tranh, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn mạnh ra thị trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, tiềm năng của lực lượng lao động phải được cải thiện bằng cách phát triển nguồn lực con người và trí tuệ, yếu tố cơ bản của khả năng cạnh tranh. Các lĩnh vực đòi hỏi tiếp tục những nỗ lực ở cấp độ chính sách để thiết lập một hệ thống đổi mới quốc gia, bao gồm giáo dục và phát triển nguồn lực con người, KH&CN, thông tin, mạng lưới an sinh xã hội... Nhà nước cần thiết lập một hệ thống giáo dục cạnh tranh trên nguyên tắc tự quản, tự chịu trách nhiệm. Bằng việc áp dụng các hệ thống đánh giá giáo sư đa dạng và hệ thống mời giáo sư linh hoạt trên cơ sở đặc tính duy nhất của mỗi trường đại học (ĐH); các cơ sở giáo dục ĐH có thể cải thiện trách nhiệm xã hội của họ, tăng cường chức năng nghiên cứu và củng cố mối quan hệ với ngành, với các viện nghiên cứu. Người dân cần một hệ thống học tập suốt đời với hệ thống tín dụng giáo dục, giáo dục tuần hoàn để bảo đảm cơ hội học tập cho nhiều người hơn. Thúc đẩy thị trường tri thức mới phù hợp với những xu hướng của thị trường toàn cầu.
Các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được phân bổ dựa trên tầm quan trọng của các công nghệ chiến lược và phải có được các bí quyết công nghệ tiên tiến, triển khai các dự án R&D quốc gia với sự tham gia của các công ty, viện nghiên cứu nước ngoài. Cần xây dựng hệ thống quản lý và đánh giá R&D một cách công bằng, khách quan, sao cho Việt Nam có thể tiến hành chuyển từ "R&D định hướng bắt chước" sang "R&D sáng tạo". Việc mở rộng sự tham gia của các ngành vào quá trình chọn lọc những nhiệm vụ R&D sẽ nâng cao tính hiệu quả và sự tin cậy của sự đánh giá, tạo ra môi trường đánh giá công bằng.
KH&CN cần quan tâm tới tính ứng dụng. Muốn vậy phải tăng cường hình thức đặt hàng, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, thực hiện theo tinh thần khoán gọn trong nghiên cứu khoa học. Các thành phần kinh tế phải được đối xử công bằng, cần hỗ trợ cả doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm mới. Giải pháp vô cùng quan trọng là tăng cường chức năng chuyển giao công nghệ giữa các trường ĐH và viện nghiên cứu với cộng đồng doanh nghiệp, khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực thực hành, mở rộng các dự án chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để khuyến khích đổi mới công nghệ trong khu vực tư nhân, Chính phủ cần xây dựng môi trường tri thức thân thiện, sắp xếp lại hệ thống hỗ trợ bằng thuế, tránh trùng lặp, cải tiến các hệ thống thuế và tài chính, tạo ra nhiều nhu cầu hơn về các sản phẩm sử dụng công nghệ mới. Việc hình thành và phát triển các khu công nghệ cao sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút lực lượng KH&CN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học hợp tác tại chỗ và với các chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu, tiếp thu, thích nghi, cải tiến các công nghệ mới; chuyển giao trực tiếp cho sản xuất, từng bước góp phần nâng cao năng lực công nghiệp nội sinh.
Để hội nhập với kinh tế thế giới, cần có chiến lược tiêu chuẩn hóa phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài các tiêu chuẩn mang tính kỹ thuật, cần quan tâm đến những hệ thống chứng nhận kỹ thuật, tiêu chuẩn giáo dục, cấp bằng sáng chế và đưa ra những phản ứng đáp lại phù hợp với những xu hướng này. Cần một kế hoạch cơ bản về các tiêu chuẩn quốc gia để triển khai và quản lý các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ các chuyên gia Việt Nam đóng vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế xử lý các vấn đề tiêu chuẩn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.