Chính trị

Sửa đổi Hiến pháp 2013: Kiều bào và thanh niên đóng góp ý kiến tâm huyết

Trang Hạnh Hoa 28/05/2025 - 17:08

Việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 tiếp tục nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhiều ý kiến tâm huyết tham gia góp ý, sửa đổi đã khẳng định, việc chỉnh sửa một số điều, khoản của Hiến pháp 2013 liên quan đến các quy định về MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về chính quyền địa phương sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tháo gỡ khó khăn, khai thông điểm nghẽn về thể chế để huy động mọi nguồn lực cho đất nước phát triển.

Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường Việt Hưng Bùi Minh Hoàng:
Bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn

z6647053974101_bba0d58c71f216abe1d17fb3b485ed9a.jpg

Việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cơ hội để người dân thể hiện tiếng nói của mình trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 8/120 điều nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đến thời điểm này, việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được tiến hành hơn 3 tuần.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy, đa số ý kiến đồng tình, thống nhất cao với việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp, nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Huy Thắng, Việt kiều Đức:
Bà con kiều bào rất ủng hộ sửa đổi Hiến pháp

z6647311093048_17c9f485adcc47cb7f7a193769fa9b30.jpg

Trong tình hình thế giới đang có nhiều biến động thì cuộc cách mạng cải tổ về hành chính của Việt Nam rất được bà con kiều bào quan tâm. Đi kèm theo cuộc cách mạng ấy thì việc sửa đổi Hiến pháp là tất yếu trong quá trình đất nước phát triển.

Chúng tôi vẫn luôn theo dõi và rất ủng hộ chủ trương này; tin rằng, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ giúp đất nước chúng ta phát triển lớn mạnh hơn, tốt đẹp hơn.

Nhiều nước trên thế giới chỉ tổ chức chính quyền 2 cấp, do đó, việc nước ta thay đổi thành chính quyền 2 cấp là phù hợp với tình hình hiện tại, bỏ bớt được cấp trung gian.

Bà con kiều bào cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài. Chúng tôi rất mong Hiến pháp sửa đổi để người Việt Nam ở nước ngoài khi nhập quốc tịch của nước sở tại không phải tiếc nuối, đau xót khi phải từ bỏ quốc tịch quê hương mình.

Hiện, nhiều nước trên thế giới đã có chính sách đa quốc tịch. Chúng tôi mong vấn đề này sẽ được Chính phủ Việt Nam nghiên cứu, xem xét để tạo điều kiện cho những kiều bào yêu nước, mong muốn phát triển đất nước được trở lại quốc tịch.

Ông Quách Ngọc Phong, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 7 phường Phú Thượng (quận Tây Hồ):
Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam

bithuchibo.jpg

Trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này, tôi đặc biệt quan tâm đến 2 nhóm vấn đề. Đó là, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Việc sửa đổi các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong Hiến pháp lần này nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều khâu trung gian; chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp, có lúc, có nơi chưa thực sự sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời.

Đồng thời, đây là lần đầu tiên Hiến pháp quy định rõ nguyên tắc hoạt động hiệp thương dân chủ, phối hợp, thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam; xác lập cụ thể hơn vai trò chủ trì, điều phối của Mặt trận trong hệ thống các tổ chức thành viên. Điều này mở ra điều kiện pháp lý thuận lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tôi cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi liên quan đến MTTQ Việt Nam là bộ phận quan trọng, nền tảng của hệ thống chính trị, khẳng định MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Cụm từ “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam” là phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm bớt đầu mối, đúng tinh thần sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mà Đảng đang đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Hiến pháp 2013: Kiều bào và thanh niên đóng góp ý kiến tâm huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.