Chiều 27-3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo.
Hơn 100 cán bộ quản lý, nhà giáo tại các tỉnh, thành phía Nam tham dự.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt, là những người trực tiếp thực hiện sứ mệnh “trồng người”, hun đúc và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tính đến năm 2024, cả nước có 1.596.735 nhà giáo, trong đó nhà giáo công lập là 1.383.912 người, nhà giáo ngoài công lập là 212.823 người.
Với lực lượng nhà giáo công lập đông đảo (chiếm trên 70% đội ngũ viên chức) và lực lượng nhà giáo ngoài công lập ngày càng phát triển, yêu cầu đặt ra là cần có một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, tạo thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là một yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, tọa đàm là một diễn đàn quan trọng để thảo luận, trao đổi ý kiến nhằm hoàn thiện Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5 tới đây.
Tại buổi tọa đàm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo chưa làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuyển dụng và điều động nhà giáo không tùy tiện giữa các địa phương.
Nói về công tác tuyển dụng giáo viên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, Luật tổ chức chính quyền địa phương không cho phép điều động viên chức giữa các địa phương. Hiện nay ở các cấp học mầm non, tiểu học và THCS, tuyển dụng giáo viên do UBND quận, huyện thực hiện, chưa cho phép điều động giáo viên giữa các địa phương với nhau. Chỉ riêng cấp THPT do Sở quản lý có thể thực hiện điều động nhân sự trong trường hợp cần thiết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, cần đồng bộ quy định giữa Luật Nhà giáo và Luật tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với yêu cầu của Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; trong đó có việc giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến góp ý tập trung về các vấn đề như: Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non; chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; các quy định liên quan đến điều động, thuyên chuyển nhà giáo; chính sách nhà ở cho nhà giáo…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.