(HNM) - Cùng với sự giám sát của phụ huynh, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho học sinh. Song song đó, ngành Giáo dục thành phố đang phối hợp với các cơ quan chức năng chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn và nơi cung cấp thực phẩm cho trường học.
Chung tay phối hợp
Từ tháng 12-2022, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đột xuất từ lúc 5h30 hằng ngày tại bếp ăn bán trú của nhà trường. Nội dung kiểm tra từ khâu cung ứng thực phẩm, đến bảo quản, chế biến và chất lượng bữa ăn thành phẩm. Ban Đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường còn tham dự các bữa ăn bán trú cùng các con để đánh giá chất lượng bữa ăn.
Ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường Trung học cơ sở Sương Nguyệt Anh (quận 8) cũng triển khai các hoạt động tương tự tại nơi cung ứng suất ăn cho hơn 330 học sinh. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (có con đang học lớp 6A1 Trường Trung học cơ sở Sương Nguyệt Anh), cho hay: "Bất kể phụ huynh nào muốn tham gia giám sát chất lượng suất ăn đều được Ban Giám hiệu chấp thuận nhanh chóng. Từ những hoạt động này, chúng tôi yên tâm hơn về chất lượng bữa ăn của các con ở trường".
Nói về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sương Nguyệt Anh Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ: “Chúng tôi chọn công ty cung cấp thức ăn ở gần trường để tiện quản lý. Thực phẩm khi mang đến cho học sinh phải nóng sốt. Ban Giám hiệu cũng đặt luôn suất ăn trưa từ nhà cung ứng suất ăn cho học sinh để giám sát chất lượng bữa ăn được thuận lợi hơn. Nhà trường cũng thường xuyên mời đại diện phụ huynh cùng tham gia giám sát”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dân cho biết, quận 8 có 100% trường học tổ chức bán trú (51/51 trường), trong đó 35 trường có bếp nấu tại chỗ còn 16 trường sử dụng suất ăn từ cơ sở chế biến cung cấp. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cân đối khẩu phần dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hằng năm của nhà trường. "Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 thường xuyên cũng như đột xuất kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú, công tác tiếp phẩm, hồ sơ chứng từ liên quan đến nguồn gốc thực phẩm và đối chiếu bữa ăn thực tế với thực đơn hằng ngày, nhằm kịp thời phát hiện các sai sót để nhanh chóng chấn chỉnh", ông Dương Văn Dân nói.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng thông tin, toàn thành phố hiện có hơn 5.000 cơ sở giáo dục, trong đó có 1.834 bếp ăn tập thể và 487 nhà trường sử dụng suất ăn công nghiệp. Như thường lệ, ngay từ đầu năm học, Sở đã đặt ra yêu cầu cho các cơ sở giáo dục phải tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc giám sát chất lượng bữa ăn và tổ chức ăn bán trú cho học sinh, với mục tiêu nâng cao hơn nữa việc chăm lo sức khỏe học sinh.
"Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra đột xuất, định kỳ bữa ăn bán trú, căng tin trường học. Chúng tôi bảo đảm thực hiện mục tiêu 100% trường học có bếp ăn tập thể, sử dụng suất ăn công nghiệp, căng tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm", ông Dương Trí Dũng cho hay.
Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm bữa ăn trong trường học được thực hiện thường xuyên. Năm học 2021-2022, đơn vị đã thực hiện kiểm tra nội dung này tại 1.708 cơ sở có liên quan. Trong năm học 2022-2023, đơn vị đã lên kế hoạch kiểm tra 2.231 cơ sở.
Đơn cử, tháng 11 vừa qua, Ban đã tiến hành kiểm tra và làm việc với hơn 20 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh về chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Kết luận quá trình thanh kiểm tra, Ban An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nhận định các cơ sở này đã triển khai hiệu quả công tác này. Để tiếp tục duy trì chất lượng bữa ăn học đường, Ban đề nghị các cơ sở giáo dục nêu trên lưu ý 3 yếu tố quan trọng, gồm: Kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào; bố trí nhân viên chuyên trách kiểm soát chất lượng bữa ăn và duy trì vệ sinh tại bếp nấu và quá trình tổ chức bữa ăn cho học sinh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: "Đáng mừng là qua kiểm tra, Ban An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ phát hiện 2 cơ sở có vi phạm về quy trình quản lý chất lượng bữa ăn và đã chấn chỉnh kịp thời. Chúng sẽ tôi tiếp tục kết hợp với ngành Giáo dục thành phố duy trì kết quả này theo hướng tất cả bếp ăn, căng tin trong trường học phải sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đạt một trong các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO22000, chuỗi thực phẩm an toàn hoặc giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.