(HNM) - Với nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố. Tuy nhiên, với phương châm phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng con người, phát triển văn hóa bền vững, nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Đông Anh đã chỉ đạo phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Phường rối nước Đào Thục, thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm khoảng 10 năm trở lại đây luôn là "địa chỉ đỏ" không chỉ với người dân trong huyện mà còn là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Đinh Thế Văn - người đã có nhiều đóng góp trong việc khôi phục và truyền ngọn lửa đam mê nghề rối cho nhiều người trong làng cho biết: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, phường rối đã biểu diễn gần 300 buổi, phục vụ khoảng 25.000 du khách trong nước, quốc tế tại thủy đình của làng, hoặc lưu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học. Góp phần làm nên sức sống cho làng rối, ngoài lòng đam mê, nhiệt huyết của các nghệ nhân còn có sự quan tâm của chính quyền từ huyện đến xã. Huyện đã quan tâm cải tạo con đường lầy lội thành đường nhựa rộng rãi, thuận tiện cho việc đi lại của người dân cũng như của du khách.
Cùng với phường rối nước Đào Thục, huyện Đông Anh còn có 14 câu lạc bộ nghệ thuật tuồng, chèo, ca trù, hát dân ca, múa lân sư… truyền thống hoạt động rất hiệu quả. Những thành công đó có được là nhờ trong thời gian qua, mỗi năm, huyện đã đầu tư từ 80 đến 150 triệu đồng cho công tác bảo tồn và duy trì hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Huyện Đông Anh còn có 124 di tích được cấp bằng xếp hạng, trong đó, có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 55 di tích xếp hạng cấp thành phố. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Văn Châm cho biết: Để tạo điều kiện phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử - văn hóa, những năm qua, huyện đã chủ động đầu tư gần 160 tỷ đồng nâng cấp các tuyến đường dẫn về làng rối nước Đào Thục, Đền Sái, tu bổ hơn 100 di tích, với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm trên 100 tỷ đồng. Cùng với đó, các ngành chức năng của huyện đã tiến hành sưu tầm, xây dựng kịch bản và phục dựng các lễ hội Kén rể (làng Đường Yên), lễ hội Cướp cầu (thôn Viên Nội), hay lễ hội Kéo rắn (xã Xuân Nộn)... Nhờ vậy, ngày càng có nhiều du khách thập phương đến với Đông Anh như tìm về một địa chỉ văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống. Riêng trong năm 2014, có khoảng 85 triệu lượt người về thăm đền Cổ Loa và Đền Sái. Cũng nhờ đó, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế chung toàn huyện ngày một tăng hơn.
Nâng cao đời sống tinh thần nhân dân
Cùng với việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch, thực hiện phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nhiều công trình văn hóa tại các xã, thị trấn được xây dựng kiên cố, khang trang, thực sự là trung tâm sinh hoạt, hội họp, hoạt động ở cơ sở. Đến nay, 116 thôn làng có nhà văn hóa đạt chuẩn, 100% thôn làng có điểm sinh hoạt văn hóa thể thao, 85% tổ dân phố có điểm sinh hoạt văn hóa thể thao. 100% thôn làng, tổ dân phố xây dựng xong bộ quy ước xây dựng làng văn hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… 73,7% thôn làng đạt danh hiệu thôn làng văn hóa; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới về văn hóa. Thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội, Đông Anh luôn được đánh giá là đơn vị trong nhóm dẫn đầu toàn thành phố trong thực hiện việc cưới văn minh tiết kiệm. Đặc biệt, Đông Anh còn trong nhóm những huyện dẫn đầu cả nước trong thực hiện việc tang văn minh với việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không ăn uống trong đám tang; tỷ lệ người qua đời thực hiện hỏa táng đạt 62,3%. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết: Các hoạt động văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, nhu cầu hưởng thụ văn hóa không ngừng được nâng cao, nhận thức, hành vi người dân được điều chỉnh theo hướng văn minh, thanh lịch.
Mới đây, kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện Đông Anh khóa XVII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao định hướng phát triển kinh tế gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẵn có trên địa bàn trong nhiệm kỳ tới của đảng bộ huyện. Đó là việc tiếp tục bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống như: Di tích thành Cổ Loa, Đền Sái, rối nước Đào Thục, chú trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh cho du khách. Đặc biệt, huyện Đông Anh đang khẩn trương hoàn thành xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái và tâm linh Hoa Lâm Viên (khoảng 54,5ha) nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp còn bỏ hoang, qua đó hình thành khu công nghệ cao trong sản xuất kết hợp phát triển dịch vụ sinh thái, tâm linh một cách hợp lý.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Đông Anh cũng sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các quy hoạch phát triển văn hóa - xã hội. Huyện sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng gắn với tăng cường công tác quản lý, đầu tư và khai thác một số công trình văn hóa trọng điểm bảo đảm tiến độ. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được huyện đẩy mạnh gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.