(HNMO) - Trước tình trạng các đơn vị doanh nghiệp, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có dấu hiệu tăng, ngay từ đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng chú trọng đôn đốc thu, giảm nợ đóng. Đó là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Tình trạng nợ đóng tăng
Thời gian qua, mặc dù ngành BHXH đã nỗ lực đôn đốc thu, song tình trạng nợ đóng BHXH có dấu hiệu tăng. Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa thông tin, tính đến thời điểm ngày 31-12-2021, toàn thành phố còn 48.146 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội của 521.696 lao động. Tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế là hơn 3.858 tỷ đồng, tăng hơn 494,5 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, số tiền nợ phải tính lãi là hơn 1.607 tỷ đồng, tăng 300,8 tỷ đồng so với năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp nợ đóng trong khoảng thời gian dài, từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, hiện Hà Nội còn 5.726 đơn vị nợ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với số tiền nợ là 352,3 tỷ đồng; 4.172 đơn vị nợ từ 12 tháng đến dưới 24 tháng với số tiền nợ là 448,6 tỷ đồng; 2.983 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với số tiền nợ 1.311,8 tỷ đồng. Thậm chí, các cơ quan chức năng rất khó thu hồi nợ của 11.663 đơn vị, doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp hiện đã bỏ trốn, mất tích hoặc giải thể, phá sản. Số nợ đóng BHXH khó thu hồi là 1.336 tỷ đồng, chiếm 34,6% so với tổng số nợ BHXH.
Một số đơn vị nợ kéo dài với số tiền lớn là Hợp tác xã Thành Công với số nợ gần 6,644 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Sông Đà 2 E&C nợ gần 3,76 tỷ đồng; Công ty CP English Now Global nợ gần 3,208 tỷ đồng... Như vậy, so với tổng số tiền cần thu BHXH trong năm 2021, thì tỷ lệ nợ chiếm 7,28%, cao nhất trong những năm gần đây.
Nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng BHXH gia tăng là dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho hay, khi người lao động được quan tâm, bảo đảm các quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế, họ sẽ yên tâm gắn bó lâu dài, giúp doanh nghiệp có được lực lượng lao động lành nghề. Đó là giải pháp quan trọng để tạo nên chất lượng sản phẩm, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Còn anh Trần Hồng Hà, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan (quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi từng làm việc tại một doanh nghiệp nợ đóng BHXH kéo dài. Thực trạng này khiến người lao động mất nhiều quyền lợi, nhất là những lúc không may bị ốm đau, tai nạn phải đi điều trị. Cá nhân tôi từng bị tai nạn giao thông, phải điều trị trong thời gian gần một tháng với chi phí hơn 100 triệu đồng, nhưng không được hỗ trợ chi trả viện phí kịp thời”.
Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ngay từ đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ đóng BHXH bằng nhiều hình thức, giải pháp linh hoạt.
Giải pháp xuyên suốt là các bên tập trung tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động quan tâm đóng đầy đủ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp mới được thành lập, tạm dừng hoạt động hoặc đã dừng hoạt động, phía cơ quan Thuế sẽ theo sát các đơn vị để kịp thời cung cấp thông tin đến BHXH thành phố, làm căn cứ để triển khai các biện pháp tuyên truyền đôn đốc thu BHXH.
Giải pháp quan trọng khác là việc tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành, đột xuất về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp song song với đôn đốc, vận động, thuyết phục các đơn vị, doanh nghiệp chủ động khắc phục tình trạng nợ BHXH tiếp tục được các bên cùng thực hiện. Theo hướng này, Phó Chánh Thanh tra huyện Thạch Thất Trịnh Thị Hải cho hay: “Chúng tôi sẽ phối hợp thanh, kiểm tra theo phương thức linh hoạt, có thể diễn ra trực tiếp, có thể tiến hành kiểm tra điện tử. Quá trình thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm”.
Để thực hiện hiệu quả những giải pháp nêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, các ngành: BHXH, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Liên đoàn lao động, Cục Thuế, Thanh tra vừa ký kết phối hợp liên ngành về bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo đó, Công an thành phố tiếp tục điều tra, xác minh, khởi tố những đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các ngành, địa phương không để những đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH tham gia đấu thầu, đầu tư các dự án của thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, BHXH thành phố cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, các địa phương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó bảo đảm quyền lợi của người lao động. Phấn đấu đến cuối năm, số người tham gia BHXH trên địa bàn Hà Nội đạt 40% lực lượng lao động trong độ tuổi (hiện nay là 39%).
Năm 2021, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH theo hình thức trực tiếp tại 3.740 đơn vị sử dụng lao động, đơn vị nội bộ, cơ sở khám, chữa bệnh y tế và đại lý thu, đại diện chi trả, qua đó khắc phục nợ đóng BHXH với số tiền 464,79 tỷ đồng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra điện tử được thực hiện đối với 10.765 đơn vị nợ đóng BHXH, số tiền các đơn vị đã khắc phục là 449,5 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, BHXH thành phố đã kiến nghị Công an thành phố khởi tố hình sự đối với 4 vụ việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.