(HNM) - Nhà hát kịch Hà Nội vừa dựng xong vở
NSND Doãn Hoàng Giang từng đạo diễn vở "Bỉ vỏ" phiên bản "Cô gái ăn cắp" trên sân khấu kịch Hồng Vân, tác phẩm có đời sống trong khoảng chục năm. Trước đó, ông từng dựng tác phẩm này cho đoàn cải lương Quảng Ninh, cũng khá thành công. Quen thuộc là vậy mà giờ ông vẫn muốn bắt tay dựng lại "Bỉ vỏ", lý do đơn giản là khán giả kịch Bắc còn chưa được xem nhưng cũng cho thấy Doãn Hoàng Giang mê "Bỉ vỏ" đến mức nào.
Một cảnh trong vở “Bỉ vỏ” do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng. |
Nhà hát kịch Hà Nội có kế hoạch dàn dựng những tác phẩm nghệ thuật phản ánh hiện thực trước cách mạng Tháng Tám, bắt đầu từ "Chí Phèo" và nay chọn "Bỉ vỏ". NSƯT Trung Hiếu, trợ lý đạo diễn và là người đóng chính vai Năm Sài Gòn trong vở, cho biết: "Văn học giai đoạn 1930-1945 của thế kỷ trước quá đặc sắc, những tác phẩm thấm đẫm hiện thực bi thương, những số phận người lao động bị bủa vây trong áp bức, bị dồn đến đường cùng, muốn sống một cuộc đời lương thiện cũng không được. Chúng tôi muốn khán giả ngày nay được gặp những nhân vật có khả năng lay động lòng người đó, để chia sẻ, cảm thông và biết được giá trị của cuộc sống hôm nay".
Nói vậy nhưng văn học, nhất là một tác phẩm dày dặn, có tuyến nhân vật phức tạp, đa dạng với ngồn ngộn những tình tiết kịch tính như "Bỉ vỏ" thì đưa lên sân khấu quả thực không dễ. Một vở diễn sân khấu không thể quá dài, càng không thể quá tham, bê hết những tình huống gay cấn trong tác phẩm văn học vì điều đó sẽ khiến khán giả cảm thấy nặng nề, căng thẳng. Nhưng nếu cắt xén quá nhiều chi tiết thì chưa chắc đã thuyết phục được người xem, nhất là về dòng đời xô đẩy khiến Tám Bính thay đổi tâm tính, khiến Năm Sài Gòn trở thành kẻ trộm cắp, giết người không gớm tay …
Kịch bản chuyển thể mà Nhà hát kịch Hà Nội chọn dàn dựng mang tựa "Những số phận bị đánh cắp" của tác giả Nguyễn Đăng Thanh, song lên sân khấu vẫn lấy tên "Bỉ vỏ". NSND Doãn Hoàng Giang tìm chữ "tình" để giải thích tính cách, tâm lý các nhân vật, cũng là muốn đem lại cho những số phận bi thương ấy một tia sáng. Vì chữ "tình" mà băng Năm Sài Gòn có Ba Bay, Tư Lập Lơ… hết lần này đến lần khác gánh tội thay nhau. Vì tình yêu mà nhân vật Năm Sài Gòn "máu lạnh" nhường ấy đã vét những đồng tiền cuối cùng để chuộc Tám Bính từ trong nhà chứa về làm vợ, hết lòng che chở. Cũng vì một chữ "tình" mà Tám Bính mạo hiểm cứu Năm Sài Gòn khỏi nhà tù, khuyên hắn cùng trở về con đường lương thiện. Và, xuyên suốt vở kịch là tình mẫu tử thiêng liêng của một cô gái lỡ đẻ con hoang, bị bán mất con, quyết tìm chuộc lại con bằng mọi giá mà dần biến đổi, chấp nhận trở thành một kẻ cắp, cướp giật, bắt cóc… Cứ thế, vở diễn giúp người xem hiểu thấu sự bi đát và khốc liệt của những năm tháng cùng cực trước cách mạng, hiểu rõ rằng một khi đã làm sai, đã hành động bất chấp luật pháp thì ắt phải trả giá. Chỉ có điều là câu chuyện kịch kết thúc "tình" hơn trong văn học…
Nhà hát kịch Hà Nội huy động tới 60 diễn viên tham gia vở diễn, đến diễn viên phụ cũng là "sao", bảo đảm thỏa mắt khán giả trong suốt hơn 2 tiếng theo dõi vở. Vai chính Tám Bính do NSƯT Thu Hà đóng. "Vẻ đẹp không tuổi" của Thu Hà rất phù hợp với vai Tám Bính. Có chút lo cho vẻ ngoài hiền lành, chân chất của NSƯT Trung Hiếu, không rõ khi vào vai nhân vật "máu lạnh" như Năm Sài Gòn thì sẽ thế nào? Thế nhưng, cuối cùng thì nỗi lo cũng qua khi Trung Hiếu tạo hình một Năm Sài Gòn vừa dứt khoát, cứng cỏi, rất "đàn anh" trong giang hồ, vừa có nghĩa, có tình, mong muốn hướng thiện nhờ được cảm hóa bởi tình yêu .
Ở "Bỉ vỏ" khán giả gặp lại phong cách dàn dựng kịch nói kinh điển, chân phương, không chiêu trò.
Tuy nhiên, khán giả kỹ tính và yêu thích "Bỉ vỏ" chắc sẽ đòi hỏi lối diễn sâu và gay gắt hơn từ phía các diễn viên...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.