Tối 13-5, tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng, diễn ra khai mạc Lễ hội Hoa phượng đỏ 2022. Lễ hội gắn với kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2022), có chủ đề “Hải Phòng điểm đến thành công”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự.
Cùng tham dự lễ hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân thành phố…
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng, nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, Hải Phòng luôn là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Hải Phòng đều được các triều đại xác định là cửa ngõ của kinh thành, là nơi đầu sóng ngọn gió, đồng thời là lá chắn vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, dòng sông Bạch Đằng lịch sử đã gắn liền với chiến công hiển hách và oanh liệt của cha ông ta trong công cuộc giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Hải Phòng tiếp tục là địa phương đi trước về sau, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Hải Phòng là địa phương có nhiều đột phá nên đã gợi mở và góp phần với trung ương hoạch định chiến lược về đổi mới đất nước.
Nhiều năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự góp sức tích cực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ và đột phá. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm sau cao hơn năm trước và năm 2021 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng lấy chủ đề năm 2022 là đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chuyển đổi số, nên đã và sẽ có nhiều kết quả nổi bật. Hải Phòng sẽ hoàn thành thêm nhiều bến cảng, nhà ga, sân bay mới, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và hoàn thành nhiều khu công nghiệp mới để đón các nhà đầu tư, tiếp tục chỉnh trang nhiều khu phố, các dòng sông nội đô, xây dựng thêm nhiều khu chung cư mới để thay thế các khu chung cư cũ, xây dựng mỗi phường 1 công viên cây xanh, xây dựng mới các bãi đỗ xe cao tầng trong thành phố và thêm nhiều khu đô thị mới.
Hải Phòng phấn đấu trong top đầu về chuyển đổi số, tiếp tục đi đầu về công tác an sinh xã hội và chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng, sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 với mức kinh phí đầu tư bình quân là 125 tỷ đồng. Đặc biệt, Hải Phòng phấn đấu đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực sự trở thành động lực phát triển của cả nước.
Sau phần khai mạc, Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2022 tiếp tục với chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương là Chương 1: Hải Phòng bừng sáng những mùa hoa; Chương 2: Khát vọng Hải Phòng; Chương 3: Carnaval Hải Phòng - điểm đến thành công, với sự tham gia của các diễn viên múa chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp trung ương và địa phương, sân khấu chuyên nghiệp, các ca sĩ nổi tiếng.
Bên cạnh các hoạt động chính của lễ hội, còn có 67 hoạt động khác về kinh tế (khởi công, khánh thành...) văn hóa, thể dục thể thao, du lịch tiêu biểu, diễn ra tại trung tâm thành phố, trung tâm các quận, huyện, thị trấn.
Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tiêu biểu, đặc sắc, đã, đang và sẽ diễn ra, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự, như phát động cuộc thi biểu tượng thành phố; Giải đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 34 năm 2022 với chủ đề “Non sông liền một dải”; Cuộc thi “Hải Phòng Sao Mai 2022”; Giải Vô địch quốc gia golf lần thứ nhất tại Hải Phòng; Giải vô địch Golf Hải Phòng mở rộng; Chương trình biểu diễn múa rối và trưng bày “Không gian văn hóa nghệ thuật Hải Phòng”; Lễ công bố, đón nhận danh hiệu 9 bảo vật quốc gia và trưng bày bộ sưu tập An Biên; Lễ hội đua thuyền rồng trên biển...
Một số công trình, dự án được khởi công, khánh thành như khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; dự án tổ hợp trung tâm thương mại vui chơi giải trí khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để thực hiện chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.