Sáng 29-7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng về việc tiếp thu, giải trình và kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (Nghị quyết 1210) và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (Nghị quyết 1211).
Tham dự có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và đại diện các bộ, ngành hữu quan…
Theo báo cáo, Chính phủ đề nghị sửa đổi 4/15 điều, bổ sung mới một điều và bãi bỏ một điều đối với Nghị quyết 1210, trong đó tập trung bổ sung quy định về phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền, sửa quy định về phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có yếu tố đặc thù.
Chính phủ đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung 10/32 điều, bổ sung 4 điều mới và bãi bỏ một điều của Nghị quyết 1211, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù.
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, đặc biệt là đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù miền núi, vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ở khu vực bãi ngang, bãi bồi ven biển, có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa và du lịch… Từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Phân loại đô thị nhằm xác lập cơ sở đánh giá chất lượng đô thị; sắp xếp và phát triển hệ thống đô thị cả nước; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa, làm căn cứ cho công tác quy hoạch, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ đối với dự thảo các nghị quyết trên. Hai dự thảo nghị quyết này tập trung gồm phân loại đơn vị hành chính và phân loại đô thị.
Lưu ý việc sửa đổi, bổ sung cần căn cứ trên cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nội dung các nghị quyết cần có tính thống nhất quốc gia và có tính đến yếu tố đặc thù.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan đã nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, văn bản liên quan. Đây cũng là công tác kế thừa các quy định của Nghị quyết 1211, Nghị quyết 1210 đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn; chỉ sửa đổi những quy định không còn phù hợp, vướng mắc, bất cập; đồng thời, bổ sung những vấn đề mới đã rõ qua quá trình tổng kết thực tiễn.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong hai nghị quyết cần được lý giải trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là phải trên cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là về tiêu chuẩn, tiêu chí.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đa số các ý kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi hai nghị quyết, thống nhất quan điểm sửa đổi đối với những nội dung, vấn đề đã chín, đã rõ.
Lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến, nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết mới, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quan điểm là chỉ sửa một bước, chưa sửa toàn diện cũng như đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa hai nghị quyết này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa một bước các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và qua tổng kết hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo, để hoàn chỉnh dự thảo riêng biệt hai nghị quyết trong tháng 8-2022 để Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9-2022 xem xét, thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong hồ sơ, Ủy ban Pháp luật phải làm rõ sự cần thiết phải sửa đổi; trong sự cần thiết phải dựa trên căn cứ khoa học, cơ sở chính trị, pháp lý, yếu tố lịch sử, có trích dẫn Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là nguyên tắc đơn vị hành chính được tổ chức ổn định trên cơ sở các đơn vị hành chính hiện có.
Trên tinh thần đó, các nội dung sửa cần tập trung làm rõ quy định chung và quy định đặc thù. Quy định chung cơ bản là không sửa, còn về đặc thù có tiêu chí khác nhau (vùng, miền…), nói rõ thêm 5 nhóm tiêu chí, chủ yếu sửa về quy mô dân số, tỷ lệ dân số và diện tích tự nhiên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chất lượng đô thị về cơ bản là tăng, có một số đô thị đặc thù nhưng đó là các khái niệm loại đô thị mới (đô thị du lịch, đô thị sinh thái, rừng núi…) nên cần tiêu chí phù hợp…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, trong sửa đổi cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa hai nghị quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.