Trong không khí những ngày đầu Xuân mới, sáng 2/2, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Đinh Dậu 2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và đánh trống phát động Tết trồng cây. Cùng dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại biểu lãnh đạo cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trồng cây tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Công trường than Đèo Nai năm 1959. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016, công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm 9% so với năm 2015.
Lực lượng chức năng đã nâng cao tinh thần thực hiện phương châm 4 tại chỗ, phát hiện sớm các vụ cháy rừng, kịp thời chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại. Cả nước đã trồng được gần 222 nghìn ha rừng tập trung và trên 58 triệu cây phân tán; khoán quản lý, bảo vệ 6,2 triệu ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 360 nghìn ha rừng; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,3 tỷ USD; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo nguồn thu gần 1.300 tỷ đồng để thanh toán cho chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng...
Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách, gắn bảo vệ rừng với an sinh xã hội, thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hóa nghề rừng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát biểu phát động Tết trồng cây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Hơn 57 năm trước, ngày 28 tháng 11 năm 1959, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân, phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân và kêu gọi toàn dân tham gia “Tết trồng cây”, một việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân ta lại nô nức tổ chức Tết trồng cây làm theo lời Bác. Tết trồng cây đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Xuân, đón Tết. Phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, trong bối cảnh trái đất có xu hướng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đe dọa cuộc sống con người trên trái đất, đòi hỏi phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia, việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa to lớn và hết sức quan trọng.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi các tầng lớp nhân dân cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây; trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng cây chắn gió, bảo vệ đê, chống xói mòn đất, chống cát bay; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc… phù hợp với điều kiện của từng nơi, từng vùng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, đi cùng với việc hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, các tầng lớp nhân dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Làm tốt điều này là làm theo lời dạy của Bác, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống cho muôn đời con cháu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác đã tới thăm Khu di tích quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh với công nhân ngành than. Tại đây, vào ngày 30 tháng 3 năm 1959, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân công trường than Đèo Nai.
Lưu bút vào sổ vàng tại khu di tích, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tin tưởng và mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, cán bộ, công nhân viên chức Công ty cổ phần than Đèo Nai nói riêng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, tích cực làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ môi trường, góp phần đưa đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc, chúc Tết tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang vui mừng nhận thấy trong năm 2016 vừa qua, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị... Chủ tịch nước nhấn mạnh, những thành tựu trong năm qua khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, đồng thuận cao, đi đúng hướng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Góp ý về hướng đi năm 2017 và những năm tiếp theo của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, Quảng Ninh là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, là nơi địa đầu, vì vậy, tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò, vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, tiếp tục phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong tất cả phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, Quảng Ninh là địa phương đất rộng, dân số đông, đa dạng, là tỉnh biên giới, có đường biển dài, vì vậy phải đặc biệt quan tâm công tác củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tỉnh Quảng Ninh phải quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước để cùng với nước láng giềng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng, đi cùng với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Quảng Ninh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh, nhiều địa danh lịch sử, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch lớn. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh, vững mạnh về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.