(HNMO) - Hội Báo toàn quốc năm 2022 đã chính thức khép lại chiều 15-4, sau 3 ngày diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn và ý nghĩa tại Bảo tàng Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), góp phần phát huy chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” - như khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Hội Báo toàn quốc năm 2022 Lê Quốc Minh. Nhân dịp này, ông Lê Quốc Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí về kết quả của Hội báo.
- Ông đánh giá như thế nào về công tác tổ chức và kết quả của Hội Báo toàn quốc năm 2022?
- Hội Báo toàn quốc 2022 do Hội Nhà báo Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Diễn ra trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, qua 3 ngày tổ chức với rất nhiều sự kiện, hoạt động sôi nổi, đây thực sự là ngày hội lớn của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước, là hoạt động thiết thực của giới báo chí trong việc tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, mừng thành tựu của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và các sự kiện lớn trong năm 2022.
Phát huy chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”, Ban tổ chức đã nỗ lực đổi mới, xây dựng hệ thống hình ảnh, màu sắc cũng như bố trí, sắp xếp từng khu vực một cách khoa học, trong khuôn viên rộng và đẹp của Bảo tàng Hà Nội, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong việc tôn vinh và biểu dương lực lượng báo chí cả nước. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động điểm nhấn, làm nên nét đặc sắc cho Hội báo như: Lễ trưng bày “100 năm Báo Le Paria” (Người cùng khổ); Triển lãm ảnh báo chí “Những nẻo đường xuân”; Diễn đàn: “Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số”; Tọa đàm: “Chuyện nghề: Hai chữ Nhân văn”; Chương trình ca nhạc “Giọng hát hay những người làm báo”… Tất cả nhằm cho thấy hoạt động báo chí thực sự đã khởi sắc, hòa vào nhịp phát triển chung của đất nước sau hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
- Trong số các hoạt động điểm nhấn, diễn đàn “Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số” mang ý nghĩa thiết thực với những người làm báo, các cơ quan báo chí hiện nay. Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông có thể thông tin thêm vấn đề thời sự này?
- Có thể cảm nhận rõ những thách thức đối với báo chí Việt Nam hiện nay trước sức ép lớn của mạng xã hội, truyền thông số, công nghệ số. Thói quen đọc, tìm kiếm thông tin của độc giả thay đổi khiến không chỉ báo in, mà ngay báo điện tử cũng không dễ tiếp cận độc giả như trước đây. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan báo chí buộc phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bởi nếu không chủ động tiếp cận được nhanh nhất, gần nhất với độc giả, không lấy độc giả làm trung tâm, chúng ta sẽ không thể thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí hiện nay dường như vẫn chưa hiểu rõ về chuyển đổi số.
Thực chất, chuyển đổi số không đơn thuần là chuyện mua sắm công nghệ, thiết bị phần mềm, mà là phải thay đổi toàn diện trong hoạt động tòa soạn, từ quy trình sản xuất nội dung, điều hành tòa soạn, cho đến chuyện xử lý về tài chính, về nhân sự… Tất cả sẽ rất khác. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn, thì mọi thay đổi tạo ra cũng nằm ở bên rìa mà thôi.
- Ông từng khẳng định: “Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả”. Nội hàm của nội dung này liên quan thế nào đến việc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, thưa ông?
- Không chuyển đổi số, báo chí sẽ không giữ được độc giả, không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền. Khi ấy, báo chí sẽ “bỏ mất trận địa”, để những luồng thông tin không được kiểm chứng, thông tin thất thiệt, tin giả có cơ hội lan tràn. Trên thế giới, đây đó đã từng xảy ra tình trạng “sa mạc tin tức”, nghĩa là khi cơ quan báo chí ở một số địa phương bị “chết”, những vùng đó hoàn toàn không có tin tức. Nếu không thực hiện chuyển đổi số, thì rất có khả năng ở một lúc nào đó, một địa phương nào đó, sẽ xảy ra tình trạng “sa mạc tin tức”. Người dân khi đó sẽ không nắm được thông tin chính xác, mất phương hướng trong nhận định tình huống. Vì vậy, chúng ta nhất thiết phải đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Đồng thời, dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn phải luôn ghi nhớ những giá trị cơ bản của báo chí, bởi tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng trong mỗi bài viết là những giá trị vô cùng quan trọng, và giờ đây, càng quan trọng hơn bao giờ hết.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.