Theo phó giáo sư tiến sỹ Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội, hiện nay, phần lớn hồ nước trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm nặng, trong đó có những hồ dường như đã
Trong số các hồ nước đang bị ô nhiễm, có những hồ đã từng được liệt vào “danh sách đen” với mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng do người dân xả nước thải chưa qua xử lý và đổ rác thải khiến hồ dần mất đi khả năng “sống” như: Hồ Ba Mẫu, hồ Văn Chương, hồ Ao Phủ, hồ Hố Mẻ, hồ Bảy Gian và hồ Hữu Tiệp…
Ảnh minh họa ô nhiễm nguồn nước. (Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng cung cấp) |
Cùng với việc xả thải nguồn nước, hành vi xâm lấn bờ kè, nuôi thủy sản (tôm, cá) quá mức cũng được xem là nguyên nhân khiến nhiều ao, hồ bị ô nhiễm và dần mất một phần diện tích trên bản đồ Hà Nội.
“Đơn cử như Hồ Tây, với diện tích rộng tới 500ha, nhưng qua thời gian, hiện tay chỉ còn khoảng trên 460ha. Gần đây, mặc dù hồ đã được kè bờ kiên cố để không bị lấn chiếm, tuy nhiên nguồn nước của hồ vẫn bị nhiễm bẩn do hoạt động xả thải (nước thải và rác thải). Thậm chí, thi thoảng trên mặt hồ còn xuất hiện cá chết,” ông Tiến nói.
Phó giáo sư tiến sỹ Trương Mạnh Tiến cũng nhấn mạnh, mặc dù thời gian gần đây, chính quyền Hà Nội đã có nhiều nỗ lực bảo vệ ao hồ, tuy nhiên vẫn cần thêm những quyết sách, hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn ngay các hành vi đổ thải, xả thải và san lấp, không để diện tích hồ bị thu hẹp thêm. Với những nơi bị ô nhiễm thì phải sớm có giải pháp để xử lý.
Bên cạnh đó, để “cứu” nguồn nước, bảo vệ môi trường ao hồ trên địa bàn thành phố, ông Tiến cũng lưu ý tới việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư các địa phương, nhất là Hội Phụ nữ vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để hạn chế việc xả thải, đổ thải rác, hay chất bẩn xuống ao, hồ.
Theo ông Tiến, vai trò của cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Thực tế là, sự vào cuộc, nỗ lực của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, của Trung ương và cả cộng đồng nên có những hồ đã dần được khôi phục lại sức sống như Hồ Đền Lừ ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Và, mới đây là hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.
Về phần mình, Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cho biết, để “cứu” nguồn nước và “cứu” các hồ trên địa bàn thành phố, đơn vị này đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các dự án để truy tìm các nguồn thải, cũng như ngăn chặn các hành vi xả thải, đổ thải xuống ao hồ. Ví dụ như nước, việc xả thải phải được đưa vào các khu xử lý nước tập trung và qua xử lý đủ tiêu chuẩn.
“Với vai trò là thành viên của Liên minh Nước sạch, chúng tôi luôn nỗ lực kết nối các chuyên gia tham gia vào việc tư vấn bảo vệ hồ, để cơ quan lập pháp và hành pháp sớm xây dựng và ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước,” ông Tiến nhấn mạnh.
Hồ Thiền Quang đã từng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Trong diễn biến liên quan để bảo vệ ao hồ Hà Nội, trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cũng đã công bố cuốn sách “Hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường hồ Hà Nội – Báo cáo thông tin nền hồ sáu quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ.”
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, tính đến tháng 10/2015, chất lượng nước tại nhiều ao, hồ trên địa bàn Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số 30 hồ trọng điểm được phân tích, có tới 6 hồ ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hoạt động của con người như xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải và lấn chiếm lòng ao hồ để nuôi cá, kinh doanh…
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cũng cho thấy, năm 2015, số lượng ao, hồ Hà Nội đã được kè toàn phần tăng lên và chất lượng vệ sinh ở các bờ hồ khá tốt; trong đó có 82% hồ đã kè toàn phần có bờ được đánh giá là sạch và khá sạch. Tuy nhiên, còn 14% chất lượng nước là bẩn và 4% rất bẩn. Riêng với các ao hồ chỉ kè được một phần và chưa được kè, có đến 80% chất lượng nước bẩn, trong đó có 52% chất lượng nước rất bẩn.
Cụ thể, trong số các ao, hồ bị ô nhiễm và có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ), quận Đống Đa có số lượng ao, hồ có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và rất nặng nhiều nhất. Đơn cử như hồ Linh Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, hồ Văn Chương, hồ Ao Phủ, hồ Hố Mẻ. Ngoài ra, một số hồ, nước có dấu hiệu ô nhiễm như hồ Đống Đa, ao Hào Nam, hồ Vuông.
Tương tự, quận Ba Đình có 3 hồ ô nhiễm nặng như hồ Bảy Gian, hồ Hữu Tiệp, hồ Giảng Võ. Tại quận Hai Bà Trương, nguồn nước hồ Thiền Quang cũng được xác định ô nhiễm rất nặng; hồ Quỳnh, hồ Cần, hồ cá Bác Hồ nước có dấu hiệu ô nhiễm.
Quận Cầu Giấy có 2 ao, hồ nước bị ô nhiễm nặng là ao đối diện Nghĩa trang Mai Dịch và hồ Trung Kính Thượng. Khu vực ao Cầu, hồ Nghĩa Tân nước có dấu hiệu ô nhiễm. Tại quận Tây Hồ, nguồn nước hồ Tứ Liên cũng được xác định ô nhiễm nặng; ao dốc Bao Bì, ao chùa Phổ Linh và ao Láng, nước có dấu hiệu ô nhiễm./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.