Môi trường

Báo động ô nhiễm nguồn nước

Hoàng Sơn 04/09/2023 - 07:10

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, do nhu cầu khai thác, sử dụng tăng cao, trong khi đó, công tác quản lý bộc lộ nhiều hạn chế khiến nguồn tài nguyên này ngày càng bị ô nhiễm. Để hạn chế ô nhiễm, vì sự phát triển bền vững, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý tài nguyên nước...

tram-bom-phu-sa-thi-xa-son.jpg
Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Hồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đức Duy

Tài nguyên nước ngày càng bị suy kiệt

Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 405 sông liên tỉnh, 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ mét khối. Dòng chảy hằng năm phân bố không đều, chủ yếu trên lưu vực sông Cửu Long (khoảng 56%), lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình (khoảng 18%), còn lại ở các lưu vực sông khác. Trong đó, khoảng 40% sản lượng nước được hình thành trong nội địa, 60% từ nước ngoài chảy vào lãnh thổ Việt Nam.

Theo đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nếu nhìn vào con số này, nhiều người cho rằng tài nguyên nước ở Việt Nam rất phong phú, nhưng thực tế việc sử dụng chưa hiệu quả dẫn đến tài nguyên nước ngày càng bị suy kiệt và gia tăng ô nhiễm. Báo cáo của các địa phương cho thấy, hằng năm tổ chức 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 19.000 trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đúng quy định, đặc biệt phát hiện và xử lý 1.500 trường hợp xả chất thải vào nguồn nước. Riêng tại Hà Nội đã rà soát được 1.890 trường hợp xả nước thải vào hệ thống thủy lợi, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy...

Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp cho biết, việc các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu đô thị… xả trực tiếp chất thải, nước thải ra môi trường là nguyên nhân chính khiến tài nguyên nước ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, nước mặt lưu vực sông Nhuệ bị ô nhiễm các hoạt chất, như: Amoni, Phosphat, Nitrit… vượt quy chuẩn cho phép lên tới 9,45 lần; nước mặt sông Đáy ở mức trung bình, tuy nhiên, vào mùa khô vẫn bị ô nhiễm nặng bởi Amoni, Phosphat, E.coli...

Thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý tài nguyên nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, một phần nguyên nhân do có sự chồng chéo, không thống nhất chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý tài nguyên nước với các lĩnh vực chuyên ngành liên quan. Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý các dòng sông, tầng nước ngầm chưa rõ ràng, còn thiếu hoặc chưa đầy đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh thực tế. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên nước của các bộ, ngành chưa đầy đủ; nhận thức của chính quyền, người dân về việc thực thi, chấp hành Luật Tài nguyên nước còn hạn chế.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước, đáng chú ý, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước chủ yếu từ ngân sách nhà nước mà thiếu cơ chế chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân...

Triển khai hiệu quả giải pháp quản lý

Về giải pháp quản lý nguồn nước bền vững, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến đề nghị các địa phương cần hướng tới quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các quy định trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước. "Trước mắt, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành rà soát các văn bản luật, nghị quyết liên quan đến tài nguyên nước mà có sự chồng chéo để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung, thay thế, bảo đảm thống nhất trong hệ thống quản lý...", ông Nguyễn Minh Khuyến thông tin thêm.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này đề xuất chính quyền các địa phương cần đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác theo hướng bền vững.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn hồ đập, hợp tác chia sẻ hài hòa nguồn nước xuyên biên giới; phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia, phát hiện những vấn đề bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng nguồn nước để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước phục vụ đời sống dân sinh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước…

Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, những năm qua, thành phố xác định bảo đảm an ninh nguồn nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để triển khai quản lý, bảo vệ. Trong đó, thành phố đã, đang triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường nước như: Xây dựng hệ thống nhà máy thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, đô thị, làng nghề; xây dựng đề án tổng thể cải tạo, xử lý ô nhiễm nguồn nước các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy…

Đặc biệt, thành phố giao các sở, ngành điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước ngầm, tăng sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đà, sông Đuống để cung cấp nguồn nước cho phát triển sản xuất, sinh hoạt; ban hành danh mục ao hồ không được san lấp nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động ô nhiễm nguồn nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.