(HNM) - Trả lời báo chí quốc tế tại thủ đô Manila (trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á) về việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định...
(HNM) - Trả lời báo chí quốc tế tại thủ đô Manila (trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á) về việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng; Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó... Như vậy, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã chuyển một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng: Chủ quyền lãnh thổ đối với dân tộc Việt Nam là bất khả xâm phạm và không thể đánh đổi.
1. Dân tộc Việt Nam sinh ra bên bờ Biển Đông. "Năm mươi người con theo mẹ lên rừng, năm mươi người con theo cha xuống biển", từ thuở hồng hoang cuộc sống của người Việt đã gắn liền với biển. Ba vùng văn hóa lớn (Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Nam Trung bộ, Óc Eo ở niềm Nam) đều lưu giữ những dấu tích người Việt Nam mở đất, lấn biển... từ thuở xa xưa, sống cùng biển và vươn ra biển để mưu sinh, để mở mang lãnh thổ. Cương vực lãnh thổ Việt Nam xưa nay căn cứ vào những bằng chứng pháp lý, lịch sử là những tấm bản đồ, là những dòng lịch sử được ghi chép chuẩn xác, là dấu chân cha ông, là hồn phách của những con người "đi có về không" vì lệnh vua, phép nước. Chủ quyền đất nước được lưu giữ trong truyền thống văn hóa, được ký thác trong tâm thức dân tộc... rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam.
Nói về chủ quyền, không thể không nhắc đến những đặc điểm địa lý (có thể xem như một thành tố không thể thiếu trong việc hình thành tính cách dân tộc). Trải dài từ Bắc xuống Nam, dải đất hình chữ S là nơi tiếp xúc giữa đại lục và đại dương, là đầu mối giao thương và có vị trí đặc biệt trong mưu đồ thôn tính, bá quyền của những thế lực hùng mạnh. Do vậy, từ thuở "mang gươm đi mở cõi", dân tộc Việt Nam phải đối mặt với một số mệnh khắc nghiệt của "đất nước nơi đầu sóng". Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chưa một dân tộc nào trên thế giới phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc đến như vậy. Lịch sử dựng nước gắn liền với lịch sử giữ nước đã hun đúc ý thức độc lập tự chủ trong lòng dân tộc và làm nên phẩm giá Việt Nam.
Lý Thường Kiệt đã khẳng định chân lý vĩnh hằng: "Sông núi nước Nam vua Nam ở" (Nam quốc sơn hà nam đế cư) qua bài Thơ Thần bên sông Như Nguyệt. Mấy trăm năm sau, Nguyễn Trãi thể hiện tinh thần tự chủ "Từ Triệu - Đinh - Lý - Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán - Đường - Tống - Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương" với Đại Cáo bình Ngô. Lê Thánh Tông khắc lên núi Bài Thơ "Muôn thuở trời Nam sông núi còn mãi" (Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại), việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành một mệnh lệnh của vương triều: "Kẻ nào dám đem một thước đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc sẽ bị tội tru di". Trước giặc Thanh cuồng bạo, Quang Trung - Nguyễn Huệ tiếp nối ý chí quật cường với lời hịch vang vọng non sông "Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng và có chủ" (Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ)... Trong bản Tuyên ngôn độc lập (năm 1945) khai sinh ra nước Việt Nam mới của một thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập"...
Ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã chuyển thành lòng yêu nước, chảy một mạch ngầm mãnh liệt trong đời sống con người Việt Nam truyền từ đời này sang đời khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
2. Số mệnh khắc nghiệt đã buộc dân tộc Việt Nam phải vượt qua những cơn binh lửa để gây nền tự chủ. Do vậy, người Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Để "dập tắt muôn đời chiến tranh", trong cái thế "đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông", trước quân tướng nhà Minh xâm lược như "tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ", nhưng Lê lợi, Nguyễn Trãi vẫn "lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức". Hội thề Đông Quan đã thể hiện rõ mục đích cuối cùng trong cuộc chiến vệ quốc, là một dấu ấn lịch sử thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với đại diện Chính phủ Pháp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau… cũng là những ví dụ điển hình cho thấy dân tộc Việt Nam luôn mong muốn và luôn tìm mọi cách để có trong tay cơ hội hòa bình. Để gìn giữ nền hòa bình, nhiều người con nước Việt đã ngã xuống cho máu đào tô thắm cờ Tổ quốc, cho hồn phách hòa vào biển đảo quê hương.
Với dân tộc Việt Nam, hòa bình được đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ, nên hòa bình đồng nghĩa chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chứ không phải là thứ "hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc". Trước những hành động nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông của phía Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bắt buộc phải tự vệ..." và "Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình...". Đất nước Việt Nam cần hòa bình ổn định, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với việc gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Nhưng khát khao hòa bình không đồng nghĩa với sự "lệ thuộc". Và, một điều khắc cốt ghi tâm: Người Việt Nam không bao giờ đánh đổi chủ quyền thiêng liêng, bởi đó là tâm thức thiêng liêng, là lợi ích chính đáng, là lẽ sống của cả dân tộc.
Lịch sử đánh giặc giữ nước của cha ông ta đã chứng minh rằng, một đất nước nhỏ bé hoàn toàn có thể bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của mình nếu có chính nghĩa, có lẽ phải và biết cách tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc. Người dân Việt Nam đã "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo". Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, nhiều nước trong khu vực, những người có lương tri trên khắp thế giới và ngay cả những người yêu chuộng hòa bình ở Trung Quốc đều nói lên tiếng nói chính nghĩa ủng hộ Việt Nam. Trong lúc này, mỗi người dân nước Việt cần đoàn kết, đồng lòng với ý nguyện vì một nền hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Chúng ta đều biết, nếu không có trái tim nóng bỏng sẽ không có đủ quyết tâm để vượt qua thách thức, nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, nếu trái tim nóng không được điều khiển bởi cái đầu sáng suốt, mẫn tiệp thì chắc chắn sẽ phải trả giá đắt. Nhà lập quốc Hoa Kỳ Alexander Hamilton có một câu nói đến nay vẫn còn tính thời sự: "... trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước". Những lời cảnh báo từ lịch sử cho chúng ta thấy rằng, những thế lực xấu xa vẫn đang đứng trong bóng tối. Do vậy, mỗi người Việt Nam cần có "cái đầu lạnh" để phân biệt rõ đâu là biểu hiện của lòng yêu nước chân chính, đâu là hành động vụ lợi của những kẻ nhân danh yêu nước để đánh bóng tên tuổi, để mưu đồ phá hoại đất nước. Mỗi chúng ta cũng cần nhận thức rõ ràng: Những hành vi phá hoại trong bối cảnh đất nước đang đứng trước thử thách khắc nghiệt như hiện nay là vô cùng nguy hiểm và cần phải nghiêm trị.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Chúng ta bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng ý chí, trí tuệ và những việc làm cụ thể xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân. Sức mạnh Việt Nam sẽ được nhân lên gấp bội khi cả nước một lòng, khi dân tộc Việt Nam cùng nhìn về một hướng. Hòa bình chính là đích đến để người dân Việt Nam thực hiện "quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Máu xương của biết bao thế hệ đã đổ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, để giành lại hòa bình cho đất nước, người Việt Nam hôm nay không cho phép bất cứ thế lực nào xâm phạm lãnh thổ cha ông, tước đoạt nền hòa bình của dân tộc, đồng thời cũng không cho phép bất cứ kẻ nào lợi dụng lòng yêu nước để phá hoại trật tự, an toàn xã hội, phá hoại chế độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.