Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó mưa bão

Tuấn Lương| 09/06/2017 07:17

(HNM) - Để chủ động ứng phó các tình huống xảy ra trong mùa mưa bão năm 2017, ngành GT-VT Hà Nội đã xây dựng phương án, bảo đảm phương châm

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, với những trận mưa cường độ 50mm/2h đến 100mm/2h, khu vực nội thành sẽ xuất hiện khoảng 18 điểm úng ngập; khu vực ngoại thành có thể gây úng ngập từ 1,5 - 2m trên quốc lộ 32 đoạn qua đập tràn Phùng; quốc lộ 3 ngập tại cầu Lộc Hà 0,5 - 0,8m trên sông Cà Lồ... Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, nhằm đối phó với bão lũ, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan lên phương án phân luồng, bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực tại từng điểm có nguy cơ úng ngập, cây đổ, vỡ đê... theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người tham gia giao thông.

Theo đó, với 18 vị trí có nguy cơ úng ngập trong nội thành, ngoài bố trí phân luồng, Sở GT-VT giao Thanh tra Sở phối hợp Ban Duy tu các công trình giao thông cùng các đơn vị quản lý đường lập chốt trực, thiết lập biển báo hiệu vị trí và độ sâu mực nước, biển báo hướng dẫn giao thông để cảnh báo. Đối với các vị trí sâu nguy hiểm (hố đào, hố ga, cầu cống) bị ngập chìm phải lập rào chắn, biển báo hiệu và đèn thắp sáng vào ban đêm. Tại các đầu cống, hố ga nơi có dòng nước chảy xiết với lưu lượng lớn sẽ bố trí cọc tiêu thông báo nguy hiểm... Tại các điểm bị úng ngập sâu, Sở sẽ bố trí lực lượng và phương tiện sẵn sàng vận chuyển nhân dân còn bị kẹt ra vị trí an toàn. Xe buýt cũng sẽ được điều chỉnh nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đi lại được thuận lợi nhất.

Đối với các vị trí ngập tại khu vực ngoại thành, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường huyết mạch bị mưa lũ chia cắt, trong trường hợp khẩn cấp sẽ có phương án đề nghị lực lượng công binh của quân đội tổ chức lắp cầu phao để thông đường. Xe tải, xe khách, xuống máy cũng được chuẩn bị đủ cơ số, sẵn sàng ứng cứu người và tài sản, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng bão lũ.

Theo lãnh đạo Sở GT-VT Hà Nội, trong trường hợp xảy ra bão mạnh hoặc siêu bão, Sở đã xây dựng 5 phương án chi tiết với các kịch bản giả định khác nhau như: Các tuyến đường huyết mạch kết nối với các địa phương bị siêu bão chia cắt hoàn toàn; xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng trên các tuyến sông, suối, hồ trên địa bàn Thủ đô làm chết, bị thương và mất tích nhiều người; xảy ra vỡ đê, động đất... Với mỗi kịch bản lại có những phương án chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, nhằm hạn chế tối đa thương vong và tài sản cho nhân dân.

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết, kế hoạch ứng phó với bão lũ của Sở đã sớm được lực lượng Thanh tra Sở quán triệt xuống các đội quản lý địa bàn cũng như các đội chuyên ngành nhằm bảo đảm triển khai nhanh và hiệu quả nhất. Thanh tra Sở cũng yêu cầu thanh tra giao thông đường thủy khẩn trương phối hợp với cảnh sát giao thông đường thủy và chính quyền các địa phương rà soát, chấn chỉnh hoạt động của 28 bến đò ngang trên địa bàn thành phố, kiên quyết không cho xuất bến đối với các đò không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Toàn TP Hà Nội hiện có 20.761,52km đường bộ và khoảng 650km đường sông. Ngoài ra còn có nhiều hồ, đầm, suối lớn nhỏ, trong đó một số hồ có hoạt động phục vụ du lịch như: Suối Yến, hồ Suối Hai, hồ Quan Sơn, hồ Đồng Mô, hồ Tây, hồ Thủ Lệ, hồ Bảy Mẫu...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó mưa bão

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.