Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó mọi biến động

Quỳnh Anh| 18/01/2020 06:12

(HNM) - Lạm phát là đỉnh quan trọng của "tứ giác mục tiêu" (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán và thất nghiệp) của mọi quốc gia, đồng thời là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng.

Năm 2019 được coi là năm nước ta thành công trong việc kiểm soát lạm phát, lạm phát chung tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra. Lạm phát không cao đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỷ lệ nợ xấu, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng...

Kết quả trên đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, giá cả có xu hướng tăng trở lại, các yếu tố rủi ro và thách thức gia tăng... Đặc biệt, nổi lên là căng thẳng về cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Ở trong nước, bệnh Dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng vọt, kéo theo đó là việc tăng giá của hàng loạt hàng hóa, dịch vụ khác. Từ bức tranh tổng thể đó, có thể thấy rằng công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực sự phát huy hiệu quả.

Năm 2020, nước ta tiếp tục kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh hiện nay là không hề dễ dàng. Những biến động trên thế giới đã hiện hữu khi nhiều nước tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí còn tung ra các gói kích thích kinh tế lớn… sẽ làm cho giá cả thế giới tăng lên, giá nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng. Ở trong nước, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chấm dứt tại các địa phương, giá thực phẩm nói chung và giá thịt lợn nói riêng tăng cao trong quý I-2020; dự kiến giá dịch vụ y tế và giáo dục tiếp tục được điều chỉnh tăng… Do đó, để đạt được mục tiêu, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chấp hành và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc của các cấp chính quyền.

Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan quản lý phải theo dõi sát tình hình kinh tế trong nước và thế giới, cập nhật đầy đủ thông tin để có các giải pháp phản ứng kịp thời, chính xác, nhằm hạn chế các tác động xấu do những khó khăn khách quan mới nảy sinh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát; có biện pháp hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn thị trường...

Về phía các địa phương, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu…). Một kinh nghiệm còn nóng hổi tại Hà Nội, trước những dấu hiệu khan hiếm một số mặt hàng, trong đó có thịt lợn, khiến giá cả biến động lớn, nhất là khi Tết đang đến gần thành phố đã nhanh chóng có các giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát hiệu quả lạm phát. Các cơ quan chức năng của thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối tại địa phương chuẩn bị sẵn nguồn hàng dự trữ phục vụ nhân dân. Riêng thịt lợn, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng cung ứng nhằm bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới; đồng thời thực hiện chương trình bình ổn giá, đưa hàng tới tận tay người tiêu dùng, giảm bớt các khâu trung gian… Sự sâu sát và chủ động như thế đã giúp ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không gây "sốt giá" các mặt hàng.

Chủ động có giải pháp ứng phó kịp thời mọi biến động của nền kinh tế, huy động doanh nghiệp tham gia, gắn với tăng cường thông tin, tuyên truyền, giữ nghiêm quy định pháp luật về giá sẽ giúp việc kiểm soát lạm phát có hiệu quả hơn và mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% năm nay chắc chắn sẽ thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó mọi biến động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.