Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động trước thời cơ và thách thức

Hương Ly| 04/02/2014 06:53

(HNM) - Năm 2014, thực hiện những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, Việt Nam bước sang giai đoạn cắt giảm và tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan.



Trao đổi với PV Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, ngoài một số ít các mặt hàng nhạy cảm như ô tô có lộ trình giảm thuế kéo dài đến năm 2019, về cơ bản hiện nay Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế theo WTO. Để tồn tại, phát triển DN phải nâng cao năng lực để có đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong và nước ngoài.

Điều kiện để các mặt hàng hưởng mức thuế suất mới là hàng hóa phải được nhập khẩu từ các nước thành viên của hiệp định. Ảnh: Bảo Sơn


- Việt Nam đã thực hiện cam kết giảm thuế trong WTO và lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong ASEAN. Bà có thể cho biết rõ hơn về lộ trình này?

- Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006. Sau hơn 7 năm gia nhập tổ chức này, chúng ta đã ký kết 8 FTA. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành thành viên của 8 FTA song phương và đa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xúc tiến đàm phán ký kết FTA Việt Nam -EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - Ấn Độ, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và đáng chú ý là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Riêng việc cắt giảm thuế trong WTO được thực hiện theo lộ trình 12 năm (từ ngày 11-1-2007 đến 11-1-2019), theo đó thuế suất tính theo giá trị trung bình tại thời điểm gia nhập WTO là 17,5% và phải giảm xuống còn 11,4% vào năm 2019, mặc dù vậy đến năm 2011 mức thuế bình quân giản đơn của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đã xuống còn 10,47%. Năm 2012, Việt Nam đã cắt giảm thêm 945 mặt hàng theo lộ trình cam kết WTO. Ngoài ra, Việt Nam phải cắt giảm thuế theo lộ trình đã cam kết trong các FTA khác. Đến thời điểm 1-1-2014, Việt Nam đã thực hiện đủ nghĩa vụ ban hành các biểu thuế ưu đãi thuế nhập khẩu đối với 8 FTA đã ký kết. Trong đó, Hiệp định ASEAN - Ấn Độ thực hiện được 3 năm và lâu nhất là Hiệp định ASEAN đã thực hiện được 14 năm.

- Vậy mức thuế theo cam kết đã được cắt giảm cụ thể ra sao?

- Trong hầu hết các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa hầu hết là trên 85% số dòng thuế. Cho đến thời điểm năm 2014, nhiều FTA đã bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Đơn cử FTA ASEAN, ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản. Trong đó, mức độ cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN cao nhất với tỷ lệ cam kết đến năm 2015, khoảng 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0%. 7% dòng thuế còn lại sẽ có mức thuế suất 0% vào thời điểm ngày 1-1-2018, ngoại trừ một số ít mặt hàng nông sản, một số mặt hàng trong nhóm ô tô và xăng dầu…

Năm 2018 là thời điểm thách thức với các DN trong nước, khi mà thuế nhập khẩu trong FTA ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cắt giảm phần lớn xuống 0%. Cùng với đó, Việt Nam vẫn đang đàm phán các FTA mới như TPP, EU và FTA với Liên minh Hải quan. Việc kết thúc và đi đến ký kết FTA mới sẽ phát sinh các nghĩa vụ thực hiện cam kết về cắt giảm và xóa bỏ thuế quan ở giai đoạn sau năm 2015.

- Sau khi hàng rào thuế quan đang dần được cắt giảm theo lộ trình đã cam kết, theo bà DN trong nước cần phải làm gì để cạnh tranh với hàng ngoại nhập?

- Xu hướng cam kết mở cửa thị trường hàng hóa ngày càng sâu rộng cũng đồng nghĩa với những thách thức với các DN ngày càng lớn. Đó là sức ép về cạnh tranh, về khả năng tận dụng lợi ích từ FTA mang lại. Hiện tại, mức độ hưởng ưu đãi thuế từ các FTA chỉ khoảng 20% tổng hàng hóa nhập khẩu, nhưng tỷ lệ này sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Trong khi đó, lợi ích của DN "nội" thu được từ việc thực hiện các FTA thời gian qua lại chưa phản ánh được tiềm năng thương mại trong nước. Nguyên nhân do khả năng cạnh tranh của DN nước ta còn hạn chế, chưa khai thác cơ hội về đầu tư, tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng và tiếp cận thị trường xuất khẩu. Tại hầu hết các ngành, quy mô DN chỉ ở mức vừa và nhỏ trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Để nắm bắt cơ hội, DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức. Muốn tồn tại, phát triển, mỗi DN phải có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài ở cả thị trường trong và nước ngoài. Ngoài ra, cần khai phá mảng thị trường nhỏ nhưng mới và ít đối thủ cạnh tranh. Thay vì kinh doanh theo lối cũ, DN Việt Nam cần từng bước cải cách hoạt động cho phù hợp với xu thế của thời đại. Khi thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng gây ra những tác động trực tiếp đến hoạt động của DN, các hiệp hội, ngành hàng cần chủ động kiến nghị với Chính phủ để đàm phán những điều kiện có lợi cho DN.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động trước thời cơ và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.