(HNM) - Năm 2010, khối kinh tế tập thể (KTTT) vẫn tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội của KTTT đạt khoảng 16.729 tỷ đồng, tăng 41,3% so với năm 2009 và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Các HTX, liên hiệp HTX đã góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành thương mại - dịch vụ.
Đến tháng 12-2010, cả nước có 2.577 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), 2.119 HTX dịch vụ điện nước; có 215 HTX thương mại (HTX TM) mới thành lập, nâng tổng số HTX TM lên 1.111 HTX và 13 liên hiệp HTX (tăng 24% so với năm 2009). Ngoài ra, còn hàng nghìn HTX trong các ngành khác có hoạt động thương mại, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với hơn 40% trong số 9.003 HTX nông nghiệp thực hiện dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Công thương và Liên minh HTX Việt Nam, năm qua, phần lớn các HTX CN-TTCN vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường. Nhiều HTX đã chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. HTX trong các làng nghề truyền thống tiếp tục được khôi phục và phát triển. Nhiều hộ nghề đã tập hợp trong tổ hợp tác, HTX để liên kết trong việc cung ứng vật tư, nguyên liệu, cải tiến mẫu mã và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ thế, nhiều HTX vẫn có tốc độ tăng trưởng cao như các HTX Ba Nhất, Cơ khí Phương Nam (TP Hồ Chí Minh), Song Long (Hà Nội), TTCN Đại Hiệp, Dệt may Duy Trinh (Quảng Nam)…
Ông Nguyễn Duy Hiếu, Chủ tịch Liên minh HTX TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn TP hiện có 3.820 tổ hợp tác TM - dịch vụ và sản xuất - dịch vụ TTCN, 485 HTX… Tốc độ tăng GDP của khu vực KTTT bình quân đạt 12,2%/năm, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 37,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng chung của thành phố (tương ứng là 11,5%/năm, 29%/năm). KTTT đã phát triển được mạng lưới rộng khắp, bước đầu có khả năng can thiệp thị trường, bình ổn giá khi có biến động, nhất là giá lương thực, thực phẩm. Để có được kết quả đó, các HTX đã chủ động, sáng tạo tìm hướng kinh doanh mới, có hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội. Điển hình là Liên hiệp HTX TM TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) với chuỗi gần 50 siêu thị Co.opMart tại TP Hồ Chí Minh đã trở thành một thương hiệu Việt của kinh tế tập thể ngành thương mại, được Tạp chí bán lẻ châu Á-Thái Bình Dương bình chọn là nhà bán lẻ hàng đầu khu vực. Hay Liên hiệp HTX Tân Bình, HTX Thương mại quận 3… đã trở thành những đại lý phân phối lớn, độc quyền cho một số nhà sản xuất. Điều quan trọng là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND TP đối với KTTT trên địa bàn; sự hỗ trợ về vốn, nhà xưởng của các cấp chính quyền, các ngành chức năng tạo điều kiện cho HTX phát triển… sự phối hợp giữa Sở Công thương với Liên minh HTX TP trong việc xây dựng chương trình xúc tiến thương mại riêng cho khu vực KTTT.
Bà Lê Thị Hương, Chủ nhiệm HTX TM Thuận Thành (Thừa Thiên Huế) cho biết, khó khăn nhất của các HTX kinh doanh dịch vụ hàng hóa như Thuận Thành là phải trữ lượng hàng hóa lớn cuối năm, trong khi lãi suất ngân hàng quá cao. Thuận Thành đã chủ động huy động nguồn vốn nội lực, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện tốt 3 tiêu chí trong kinh doanh là thái độ phục vụ, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Đơn vị chủ động tìm kiếm thị trường mới thông qua mạng lưới tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tại các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, cung cấp suất ăn cho công nhân trong khu công nghiệp. Thuận Thành hiện có hệ thống vệ tinh với 1.700 đại lý trải rộng khắp các tỉnh, thành, vùng núi, nông thôn…
Đại diện nhiều HTX cho rằng để các HTX TM phát triển hiệu quả, Nhà nước và các ngành chức năng cần tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê nhà đất; có chính sách thuế hợp lý đối với hoạt động dịch vụ của HTX phục vụ trực tiếp đời sống sinh hoạt của người dân (như cung cấp bữa ăn công nghiệp, kinh doanh hàng hóa thiết yếu…). Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình liên kết, hợp tác để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.