(HNM) - Đến thời điểm này, các lĩnh vực trụ cột của ngành Nông nghiệp Hà Nội là chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Nhờ đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ hoàn thành được mục tiêu đề ra mà còn dự kiến đạt mức tăng trưởng 4,2% trong năm 2020 - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thành công này được coi là điểm sáng của kinh tế Thủ đô trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp.
Đây là kết quả của việc ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là sự chủ động trong xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để bảo đảm thắng lợi vụ đông năm 2020-2021, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm 2020; tạo đà tăng trưởng cho năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất.
Trước mắt để bảo vệ mùa màng, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tình trạng thiếu nước cho sản xuất vụ đông, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những vi phạm công trình phòng, chống thiên tai; đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đê điều, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; mặt khác chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch gieo trồng phù hợp với thực tế, tránh những bất lợi trong sản xuất.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực dự báo, phát hiện dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tổ chức xử lý triệt để các bệnh trên cây trồng; tăng cường quản lý, kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Trong sản xuất vụ đông năm 2020-2021 và các năm tiếp theo, cùng với việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách căn cơ, bài bản theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần có các giải pháp đột phá thúc đẩy việc hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý và sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Mặt khác, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, từ đó nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.
Ngành Nông nghiệp cũng cần tạo cơ chế, huy động nguồn lực nghiên cứu, phát triển sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; các giống cây có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu... nhằm phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của thành phố.
Về phía người nông dân - chủ thể chính trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; lựa chọn cây trồng, vật nuôi chất lượng có giá trị kinh tế cao; chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất theo quy mô lớn, gắn kết chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ... Từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Với sự chủ động, tích cực thúc đẩy sản xuất, những mục tiêu đặt ra sẽ không ngoài tầm với và đây cũng là tiền đề để ngành Nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.