(HNM) - Ngày 12-12, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Những vấn đề đạo đức xã hội nhìn từ góc độ văn hóa”. Các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa tham gia tọa đàm đã phân tích nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội và đề xuất
Đạo đức xã hội phản chiếu văn hóa
Trả lời câu hỏi của nhiều độc giả về mối quan hệ giữa đạo đức xã hội và văn hóa, ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa khẳng định, đạo đức và văn hóa có mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực được cả xã hội thừa nhận, thể hiện qua hành vi, lối sống, lối ứng xử của con người. Đạo đức là văn hóa và ngược lại, đạo đức phản chiếu văn hóa, đạo đức con người như thế nào sinh ra văn hóa của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc như thế. Nói cách khác, văn hóa và đạo đức là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Cương, sở dĩ văn hóa và đạo đức con người Việt Nam có những biểu hiện xuống cấp, “đứt gãy” trong những năm gần đây là do sự xáo trộn của các mối quan hệ xã hội trong thời kỳ mở cửa, hội nhập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm và quan điểm giáo dục chưa thực sự phù hợp. Những yếu tố tiêu cực trong quá trình mở cửa, hội nhập đã và đang tác động mạnh mẽ đến các mối quan hệ, ứng xử trong xã hội. Vai trò của đồng tiền khiến yếu tố kinh tế chi phối nhiều yếu tố khác trong xã hội. Đáng chú ý, chúng ta có hệ thống pháp luật khá nghiêm khắc, nhưng quá trình thực thi có nơi, có lúc lại thiếu nghiêm minh.
Đồng quan điểm, ông Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra các dẫn chứng cho thấy lối sống của một bộ phận của người Việt Nam, nhất là giới trẻ đã và đang có sự “lệch chuẩn” so với đạo đức truyền thống. Đó là việc đề cao lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích cộng đồng; trào lưu “sống thử”, “sống gấp”; những vụ bạo lực xảy ra trong gia đình, nhà trường và xã hội... “Những yếu tố tiêu cực này nếu không sớm được loại trừ sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển chung của xã hội” - ông Triệu Thế Hùng nhận định.
Sớm hoàn thiện hệ tiêu chí về con người
Nhìn nhận văn hóa là sức mạnh “mềm” trong quá trình phát triển, hội nhập, bà Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho rằng, trước hết mỗi con người Việt Nam cần có đủ bản lĩnh, tự tin để chủ động tiếp nhận những luồng văn hóa tích cực làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam; đồng thời loại bỏ yếu tố tiêu cực để hạn chế xuống mức thấp nhất những tác động không hay về văn hóa. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm nhiều hơn, với những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong công tác quảng bá văn hóa, đưa văn hóa trở thành “đại sứ” hòa bình.
Để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, theo ông Nguyễn Văn Cương, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ; xây dựng các chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những trường hợp không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật. Ông Triệu Thế Hùng kiến nghị những người làm công tác lãnh đạo, quản lý có sự quan tâm đầy đủ, toàn diện hơn về vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa phát triển đúng hướng. Điều quan trọng, hệ tiêu chí về con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cần sớm được xây dựng, hoàn thiện, giúp mỗi người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong mọi hoạt động. “Văn hóa và con người Việt Nam vốn có nhiều giá trị tốt đẹp, chỉ cần có giải pháp phù hợp, tôi tin những giá trị ấy sẽ được phát huy hiệu quả to lớn hơn nữa trong thời gian tới. Đó chính là “vắc xin” tốt nhất chống lại sự thâm nhập, tác động của các yếu tố tiêu cực, làm tổn hại đạo đức, văn hóa xã hội” - ông Triệu Thế Hùng nói.
Đạo đức xã hội là chủ đề lớn, có thể tiếp cận, đánh giá dưới nhiều góc độ. Nhìn từ góc độ văn hóa, có thể khẳng định các giải pháp được đề xuất, bàn thảo tại cuộc tọa đàm này là những gợi mở thú vị, giúp các cơ quan quản lý và mỗi người dân có cái nhìn đa chiều hơn về một số vấn đề nổi cộm hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.