(HNM) - Tiết trời giao mùa thu - đông, nóng lạnh thất thường là môi trường lý tưởng cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển. Cũng do thời tiết thay đổi nhanh, cơ thể con người không kịp thích nghi là điều kiện để vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, chủ động giữ gìn sức khỏe, nâng khả năng đề kháng là cách phòng tránh bệnh hiệu quả nhất.
“Đến hẹn lại lên”, mỗi khi giao mùa, những nhóm bệnh thường gặp (chủ yếu ở người già, trẻ nhỏ và người có sức đề kháng không tốt, có sẵn bệnh mạn tính) là bệnh về hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm họng,…); cảm cúm; sốt xuất huyết, sốt vi rút; đau xương khớp; dị ứng… Điều đáng nói, thời tiết giao mùa kết hợp môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm, càng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm hơn, bên cạnh các bệnh lây nhiễm thông thường, ngày càng xuất hiện thêm những loại bệnh mới biến thể (nhóm cúm A độc lực cao, MERS-CoV…), bệnh lây truyền từ động vật sang người, nên việc khống chế, kiểm soát dịch bệnh càng khó khăn, luôn phải ở tâm thế chủ động.
Hà Nội là nơi có dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình biến động dân cư lớn. Trong khi đó, môi trường ở một số nơi có nhiều công trường xây dựng, khu nhà trọ, lán trại chưa được quan tâm xử lý triệt để, cũng tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh lưu trú, phát sinh và dễ gây ra nguy cơ cho cộng đồng.
Với thực trạng nói trên, yêu cầu cấp thiết với mỗi người dân là phải nâng cao ý thức, chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh tật. Những việc cụ thể, lợi ích thiết thân là làm tốt vệ sinh cá nhân, như rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; giữ gìn môi trường sống, làm việc luôn sạch sẽ, gọn gàng; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn sạch, uống sạch); tập thể dục thể thao đều đặn… Cùng với đó là nhắc nhở bạn bè, người thân cùng làm để tạo dựng không gian khu dân cư, cơ quan, đơn vị xanh - sạch - đẹp, bảo đảm một môi trường không dịch bệnh.
Cũng để phòng ngừa hiệu quả, mỗi người dân cần trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bệnh tật. Vấn đề cần lưu ý là nếu thấy biểu hiện có bệnh, tuyệt đối không tự chữa tại nhà mà phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Đồng thời thông báo, phối hợp với cơ quan chức năng để có biện pháp “khoanh vùng dập dịch” đối với những dịch bệnh có tính chất lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người...
Một biện pháp đặc biệt quan trọng là đối với trẻ em, phải tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian quy định. Trách nhiệm này, trước hết là của các bậc cha mẹ, tiếp đến là ngành Y tế và chính quyền mỗi địa phương. Trong đó, ngành Y tế cần tiếp tục củng cố hệ thống y tế dự phòng nói chung và mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống dịch nói riêng; tăng cường vai trò của tuyến y tế cơ sở, đội ngũ cộng tác viên cộng đồng; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân hiểu, nâng cao vai trò, trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Cần đặc biệt quan tâm với những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Đối với các cơ sở y tế, cần tiếp tục nâng cao năng lực điều trị cấp cứu người bệnh, bảo đảm tốt việc cách ly, tránh lây lan và lây chéo trong cơ sở điều trị; đồng thời làm tốt việc phân tuyến để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên… Chuẩn bị đầy đủ vật tư, máy, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, điều trị cấp cứu bệnh nhân.
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh. Do đó, từng cá nhân, hộ gia đình cần thay đổi hành vi, thói quen chưa tốt để chủ động phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.