Sức khỏe

Bác sĩ chỉ những sai lầm trong chăm sóc trẻ khi thời tiết giao mùa

Tin, clip: Tạ Nguyên/Báo Tin tức 19/11/2023 - 21:38

Trong những ngày lạnh, có nhiều sai lầm cha mẹ dễ mắc phải trong chăm sóc trẻ. Cụ thể, trời lạnh, trẻ cần được mặc ấm, nhưng mặc bao nhiêu là đủ và đúng thì không phải cha mẹ nào cũng biết cách.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Khi vào giai đoạn giao mùa, nhiệt độ dễ thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, có thể con người thường không thể thích nghi ngay, nhất là trẻ với sức đề kháng yếu hơn rất dễ mắc các bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp, dễ gây viêm phổi, viêm phế quản... Chưa kể, trời lạnh, nồng độ các vi sinh vật gây bệnh cả trong nhà và ngoài môi trường tăng lên cũng tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Ngoài bệnh về đường hô hấp, trẻ còn dễ mắc các bệnh khác như: Hen, miễn dịch dị ứng, viêm da cơ địa… cũng rất dễ gặp".

Đặc biệt trong những trời chuyển lạnh, có nhiều sai lầm cha mẹ dễ mắc phải trong chăm sóc trẻ. Cụ thể, trời lạnh, trẻ cần được mặc ấm, nhưng mặc bao nhiêu là đủ và đúng thì không phải cha mẹ nào cũng biết cách. Thậm chí nếu mặc ấm cho trẻ không đúng cách còn có thể khiến trẻ dễ ốm hơn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn: Nếu trời quá rét thì cho trẻ mặc nhiều đồ, rét vừa thì mặc vừa phải; tuy nhiên thời gian khi trẻ ở trường mới là quan trọng. Cụ thể, khi trẻ từ nhà đi đến trường cần phải mặc thật ấm nhưng khi vào trong phòng học, không khí trong phòng ấm hơn, trẻ lại hoạt động liên tục như: Chạy nhảy, múa hát, thể dục… sẽ sinh nhiệt khiến người trẻ nóng lên, nhất là vào buổi trưa nhiệt độ tăng lên, cần cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, nếu không trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi sau đó thấm vào áo và thấm ngược trở lại cơ thể, sẽ thành nhiễm lạnh.

Clip PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách chăm sóc trẻ ngày lạnh:

Cha mẹ cần mặc đủ ấm và phù hợp để khi nóng có thể cởi bỏ bớt áo cho trẻ; thậm chí cần dặn các giáo viên ở trường khi nào trẻ hoạt động nhiều cần để ý cởi bỏ bớt áo ấm cho trẻ, khi lạnh hơn thì mặc vào.

Những ngày lạnh phải cho trẻ ăn tăng thêm để có nhiều chất dinh dưỡng như: Chất đạm, chất mỡ… để cơ thể chống lạnh tốt hơn.

Trong ngày lạnh, cần tắm cho trẻ sớm hơn, tốt nhất vào thời điểm trưa hoặc chiều, khi nhiệt độ còn đang cao. Với các bố mẹ bận rộn, nên tranh thủ cuối giờ chiều, ngay khi đón trẻ đi học về cần tắm ngay cho trẻ; nhà tắm phải kín gió. Khi cởi đồ để tắm cho trẻ cũng cần cởi bỏ dần dần, không để trẻ lạnh đột ngột.

Khi cha mẹ tắm cho trẻ cũng cần tắm nhanh, không nên quá sạch sẽ mà tắm lâu dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, cha mẹ có thể ước chừng thời gian tắm trong khoảng 5 - 7 phút là vừa, không nên tắm quá lâu khiến trẻ có thể nhiễm lạnh.

Để phòng các bệnh ngày lạnh cho trẻ, cần quan tâm đến môi trường, nơi ở phải sạch sẽ, nhất là phòng ngủ của trẻ. Cụ thể, hàng ngày khối không khí trong phòng nhà ở phải được luân chuyển, luôn có khí tươi bên ngoài vào nhà. Nhiều gia đình chỉ có một cửa không thông gió, nếu ít mở cửa thì không khí trong nhà cũng giống như “ao tù”. Vì vậy các gia đình nên thi thoảng mở cửa, đặt một chiếc quạt thổi khí lưu đọng từ trong nhà ra; mỗi ngày thực hiện khoảng 20 phút là có thể lưu thông khí trong nhà.

Đặc biệt, các gia đình không được để bất cứ loại khói nào như: Khói thuốc lá, khói hương, khói bếp… lọt vào phòng ngủ của trẻ; tránh để môi trường nhà ở ẩm thấp, tường nhà rêu mốc, ẩm; tránh các yếu tố gây dị ứng như: Lông chó, mèo, phấn hoa, thú nhồi bông… trong phòng. Đặc biệt với trẻ bị hen, dị ứng cần thường xuyên tổng vệ giường của trẻ, rèm cửa, giá sách… không để bụi bặm.

Về tăng sức đề kháng, ngoài dinh dưỡng còn cần tăng cường cho trẻ vận động. Nhiều gia đình ở chung cư thường “ngại” không xuống sân, xuống dưới đường tiếp xúc với thiên nhiên, mà “nhốt” trẻ ở trong nhà ít vận động khiến trẻ cũng dễ giảm đề kháng, dễ mắc bệnh hơn.

Đặc biệt, đời sống tinh thần của trẻ cũng cần được quan tâm, ngoài giờ đi học về nhà cần vui vẻ chơi đùa với bố mẹ cũng “liều thuốc” tốt cho trẻ để có sức khỏe tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chỉ những sai lầm trong chăm sóc trẻ khi thời tiết giao mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.