(HNMCT) - Sau khi Việt Nam ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên, thành phố Hà Nội đã yêu cầu giám sát chặt chẽ dịch đậu mùa khỉ trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nhiều người dân bày tỏ sự hoang mang, lo lắng trước sự xâm nhập của dịch bệnh này.
Khả năng lây lan qua giọt bắn là rất thấp
Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận ở thành phố Hồ Chí Minh là người trở về từ nước ngoài. Hiện những người tiếp xúc gần với ca bệnh đã được theo dõi chặt chẽ, không ghi nhận triệu chứng nghi ngờ. Tuy nhiên, số ca mắc đậu mùa khỉ vẫn gia tăng trên thế giới nên việc xuất hiện thêm ca bệnh đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể xảy ra. UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ. Tiếp đó, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Vũ Cao Cương làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch đậu mùa khỉ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Hiện người dân rất hoang mang, lo lắng trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, người dân không nên quá lo lắng trước thông tin đã có ca bệnh đầu tiên ở nước ta. Đánh giá về nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ca bệnh, khoanh vùng điều tra nguyên nhân và khả năng lây lan, bùng phát thành dịch là không lớn.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh), đậu mùa khỉ không phải là bệnh hiếm, cũng không phải là bệnh mới được phát hiện. Bệnh này đã xuất hiện những đợt dịch cục bộ, rải rác ngoài vùng châu Phi từ lâu nhưng cũng tự ổn định mà không cần can thiệp nhiều. Vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ cũng khó lây lan. Theo kết quả nghiên cứu, nồng độ vi rút trong giọt bắn của bệnh nhân thấp. Nồng độ vi rút ở bóng nước cao hơn vùng hầu họng nên chỉ khi cọ sát với bóng nước của người bệnh thì mới có nguy cơ lây nhiễm. “Tính lây lan của bệnh không thể như các loại vi rút có khả năng phát tán trong không khí. Vậy nên, việc đậu mùa khỉ bùng phát thành dịch là rất thấp" - bác sĩ Khánh nhấn mạnh.
Các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ
Dù khả năng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ rất thấp, số ca tử vong do bệnh cũng ít, nhưng không vì thế mà người dân có thể chủ quan. Bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau. Triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết; sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2 - 3 tuần.
Bác sĩ Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được cho là lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, lây qua các vật dụng chứa mầm bệnh hoặc lây từ động vật sang người.
Khi đã biết các đường lây truyền của bệnh, chúng ta có thể căn cứ vào đó để có các biện pháp phòng ngừa. Cụ thể, để tránh lây qua đường hô hấp, người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nên che miệng khi ho để không phát tán giọt bắn ra môi trường không khí. Mọi người tránh lây qua tiếp xúc bằng cách đảm bảo tốt vệ sinh, nhất là vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng - những loại có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ.
Với những người có các triệu chứng nghi ngờ, dù chưa biết chắc mình có bị mắc đậu mùa khỉ hay không thì cũng nên hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh để tránh lây lan cho cộng đồng. Đặc biệt, người dân nên đảm bảo dinh dưỡng thật tốt, tăng cường vận động, nâng cao sức khỏe nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bác sĩ cũng khuyến cáo: Ngay khi có các dấu hiệu bất thường, các triệu chứng điển hình của bệnh như sốt, mệt mỏi, nổi mụn nước... thì cần nhanh chóng thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời, tránh bệnh trở nặng và lây nhiễm cho những người xung quanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.