Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Ngọc Quỳnh| 22/02/2022 06:22

(HNM) - Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn vật nuôi. Bối cảnh giao mùa - mưa phùn, rét kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, dẫn đến nguy cơ cao phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành phố cần rà soát các cơ sở chăn nuôi, chủ động giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo quy định.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Sơn

Nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục ở trâu, bò… đã xuất hiện trên đàn vật nuôi gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cụ thể, 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã phát sinh tại các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Nội với tổng số gia cầm mắc bệnh chết và phải tiêu hủy là 13.600 con. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, buộc phải tiêu hủy 19.628 con…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 18 hộ chăn nuôi của 14 xã trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân. Còn Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở  NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, bệnh Dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm - cúm A/H5N1 đã phát sinh trên địa bàn thành phố, nguy cơ lây lan là rất lớn.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh do nhiều nguyên nhân. Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông, cả nước có khoảng 27 triệu con lợn, 10 triệu con trâu, bò, 515 triệu con gia cầm… phần lớn được nuôi theo hình thức truyền thống, không bảo đảm an toàn sinh học; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và công bố dịch chưa kịp thời; chính quyền ở một số nơi còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin để người dân “bán chạy” động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.

“Mặt khác, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh vào dịp lễ hội đầu năm, trong khi đó giết mổ nhỏ lẻ chiếm phần lớn, lại thêm thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát sinh và lây lan”, ông Phạm Văn Đông cho biết thêm.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ở góc độ người sản xuất, ông Khổng Văn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) cho biết, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ các loại dịch bệnh lây lan, trước khi tái đàn, trang trại đã tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường ở khu vực trong, ngoài chuồng trại; đồng thời bổ sung các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao để tăng sức đề kháng cho vật nuôi và tiêm phòng vắc xin các loại bệnh, như: Lở mồm long móng, tai xanh... theo quy định.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho rằng, các địa phương cần thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch tiêm phòng đại trà, tiêm phòng bổ sung, vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cùng với việc bảo đảm vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội sẽ tập trung tổ chức tiêm phòng đúng thời điểm nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm. Thời điểm tổ chức tiêm phòng đại trà vào các tháng 3 và 4 (đợt 1), tháng 9 và 10 (đợt 2). Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y…, qua đó ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu với Chính phủ nâng mức tiền công cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh để các địa phương thực hiện tốt công tác này.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022 một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, các địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin ngay từ đầu năm, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn vật nuôi được tiêm phòng. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn cơ sở chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; đồng thời tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến các sản phẩm động vật không bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

“Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới…, qua đó bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường và thúc đẩy tăng trưởng của ngành chăn nuôi”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.