(HNM) - Cúm A/H5N1 đang có những diễn biến mới đáng chú ý. Cụ thể, từ ngày 22-2-2023, Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới với quốc gia đang có bệnh cúm này.
Trong khi đó, ở trong nước, hiện có 2 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm ở hai tỉnh Nghệ An, Cao Bằng chưa qua 21 ngày. Hiện những ổ dịch này đã được xử lý và chưa ghi nhận sự lây lan. Dù vậy, điều kiện thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi thất thường nên rất thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm và nhiều loại vi rút gây bệnh khác phát triển. Đáng nói, các lễ hội sau Tết Nguyên đán vẫn đang được tổ chức ở nhiều địa phương, do đó, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Các ngành Y tế và Nông nghiệp đã, đang chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh ổ dịch cúm gia cầm trong nước cũng như nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào nước ta.
Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông…; qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam. Cùng với đó, vận động nhân dân khu vực biên giới không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam; thông tin, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh (nếu có) để cơ quan chức năng điều tra, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không làm lây lan ra cộng đồng.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Y tế cần giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người). Cơ quan y tế các địa phương cũng cần lưu ý giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh liên quan cúm A/H5N1. Các cơ sở y tế cũng cần sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực để thu dung, cách ly, điều trị nếu xuất hiện ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 theo quy định của ngành Y tế.
Cùng với biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, các ngành chức năng và địa phương cần tập trung truyền thông về những biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người; đặc biệt chú ý khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh. Đặc biệt, cần khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
Chủ động từ sớm, từ xa, tuyệt đối không chủ quan để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đó là biện pháp căn cơ để vừa bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm và hơn hết là giữ gìn sức khỏe cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.