(HNM) - Hà Nội đang cùng cả nước bước vào chặng đường phát triển mới, với khát vọng sớm nâng tầm Thủ đô lên một vị thế mới, xứng đáng với yêu cầu của thời đại. Trong đó, nguồn lực vật chất, vốn đầu tư là động lực trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại công ty Panasonic (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Những con số đáng mừng
Thực tế cho thấy, Hà Nội thường xuyên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,5-1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) 9 tháng năm 2015 tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước; cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2013 và 2014 (năm 2013 tăng 7,88%, năm 2014 tăng 7,9%). Đây là con số cho thấy sự chuyển biến tích cực về hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh hồi phục ngày càng rõ nét của kinh tế cả nước.
Có được kết quả khả quan trên là do sự đóng góp của cộng đồng DN, nhất là DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Mặt khác, khi đời sống kinh tế "ấm" lên cũng tạo điều kiện tốt cho thị trường về mặt tổng thể cũng như gia tăng giá trị của đô thị Hà Nội trong mắt đối tác quốc tế. Vì vậy, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đạt 1,6 triệu lượt người, tăng 13,8% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó riêng khách đến vì công việc chiếm 21%, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Đương nhiên, một phần trong số khách đến vì mục đích công việc hôm nay sẽ là nguồn cung, là đầu vào cho những dự án ĐTNN hình thành trong tương lai.
Số DN đăng ký thành lập mới trong 9 tháng qua tăng tới 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 14.142 đơn vị được cấp mới là minh chứng cho sức sống của môi trường kinh doanh, từ đó tạo ra niềm tin kinh doanh của DN; hứa hẹn nguồn thu cho ngân sách. Tính chung, Hà Nội hiện có gần 200.000 DN đăng ký hoạt động. Đến nay, Hà Nội cũng đã thu hút hơn 24 tỷ USD vốn ĐTNN thông qua hàng nghìn dự án đang hoạt động thuộc các lĩnh vực quan trọng như bất động sản, khách sạn; cơ khí chế tạo, thiết bị điện, đồ gia dụng... Đáng lưu ý là, không ít dự án ĐTNN sau khi đã "định cư" tại Hà Nội, gặt hái những thành công đã từng bước lan tỏa, mở rộng quy mô ra địa bàn các tỉnh lân cận, tạo ra chuỗi sản xuất và sản phẩm liên hoàn, góp phần gia tăng giá trị nội địa trong sản phẩm và tạo việc làm, thu nhập cho khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội là một trường hợp điển hình ở cấp độ địa phương trong việc đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực cho phát triển một cách hài hòa và thu được kết quả đáng ghi nhận.
Chủ động trong hấp dẫn đầu tư
Có được những thành tựu đáng khích lệ trên là kết quả tất yếu của quá trình đồng hành cùng cộng đồng DN của lãnh đạo thành phố, các ngành chức năng. Nhiều công việc liên quan đến xử lý, giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN được duy trì, cải thiện cũng như nhân rộng nhằm đáp ứng mục tiêu lấy DN là đối tượng phục vụ. Đặc biệt, việc Hà Nội đã chủ động thực hiện rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày trước 6 tháng theo quy định của Luật DN đã được các tỉnh bạn, nhất là cộng đồng DN đánh giá cao. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tham gia gặp gỡ, đối thoại cùng DN, với tần suất ngày càng dày và thể hiện tinh thần chủ động, nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Một số vướng mắc về cơ chế, quy định hoặc những vấn đề tồn tại đã được nhận diện, tháo gỡ một cách nhanh chóng và được cộng đồng DN ghi nhận. Thành phố đặt quyết tâm tăng cường sức cạnh tranh, sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất và kịp thời hỗ trợ DN là yêu cầu quan trọng hàng đầu và không có điểm dừng. Trong đó, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là mục tiên và ưu tiên hàng đầu.
Những kết quả trên diễn ra trong bối cảnh Hà Nội được đánh giá, công nhận đã tăng 2 bậc về chỉ số CCHC năm 2014 so với năm 2013 (đạt 58 điểm). Từ đó, Hà Nội vươn lên đứng trong số 3 địa phương có chỉ số CCHC cao nhất toàn quốc. Lãnh đạo Hà Nội ý thức rằng, công tác quản lý nói chung và hỗ trợ DN nói riêng cần được lồng ghép vào từng nhiệm vụ cụ thể, từ các cấp, ngành, cơ quan đến mỗi cá nhân cán bộ để cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp. Tất cả nhằm khơi thông các nguồn lực, phối hợp giữa nội lực và ngoại lực để làm tốt nhiệm vụ thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Hà Nội là địa phương tiên phong, chủ động trong việc hấp dẫn nguồn vốn ĐTNN và hiện đang đứng thứ 3 về kết quả thu hút vốn ĐTNN. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, bên cạnh việc tuyên truyền, gặp gỡ giới đầu tư tiềm năng, cơ quan chức năng của Hà Nội cần triển khai cách làm mới. Đó là chủ động và ưu tiên tiếp cận trực tiếp với các đối tượng "có vốn" như quỹ đầu tư, ngân hàng vì đây mới chính là nơi cung ứng phần lớn số vốn cho mỗi dự án cụ thể. Đây là cách làm đúng, bởi nếu thuyết phục được các tổ chức tài chính tức là làm xong việc "dọn đường" để họ "rót" vốn cho DN vay tiền nhằm thực hiện một dự án. Nói cách khác, chính các quỹ đầu tư và ngân hàng mới là đối tượng cần quan tâm, thuyết phục trước tiên để phía Việt Nam gặp gỡ, chứng minh một dự án có đủ tính khả thi và xứng đáng để đầu tư. Sau đó, cơ quan xúc tiến đầu tư cần giao dịch với DN đang mong muốn làm chủ đầu tư để định hướng, khuyến khích họ đi đến quyết định cuối cùng.
CCHC, nâng cao sức cạnh tranh về môi trường đầu tư - kinh doanh là con đường dài, với ý thức cầu thị và cải cách là định hướng xuyên suốt, không có điểm dừng của thành phố. Cách làm này nhằm huy động tối đa nguồn lực tổng hợp để phát triển kinh tế một cách toàn diện, kịp thời, hiệu quả và hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.