Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động kiểm soát giá cả

Gia Khánh| 08/01/2023 06:48

(HNM) - Đã thành thông lệ, vào dịp Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa lại tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Trong thống kê tính toán chỉ số giá tiêu dùng, đây là giai đoạn có tác động nhiều nhất đến kết quả chung.

Giá cả hàng hóa mang yếu tố thị trường song mặt bằng giá tăng chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Giá cả hàng hóa có thể tăng đột biến trong một thời điểm rồi trở lại bình thường. Nhưng nếu tăng rồi thiết lập mặt bằng giá mới lại là vấn đề cần quan tâm.

Thực tế, để đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán, ngành Công Thương đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ nhiều hơn so với ngày thường. Chương trình bình ổn giá mặt hàng thiết yếu cũng được các địa phương chủ động triển khai.

Các doanh nghiệp phân phối lớn còn chủ động đàm phán với các nhà cung cấp để bảo đảm không tăng giá hàng hóa, đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hàng hóa. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, lượng hàng Tết có giá trị lên tới hơn 39.500 tỷ đồng, cùng với đó là hơn 12.000 điểm bán hàng phục vụ người dân. Đây là những giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát thị trường, ổn định giá cả hàng hóa và cũng tạo ra dư địa để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm.

Sau rằm tháng Chạp, việc mua sắm hàng Tết bắt đầu gia tăng. Cùng với đó, nhiều yếu tố có thể tác động đến giá cả hàng hóa, đòi hỏi cơ quan chức năng phải hết sức thận trọng, chủ động trong điều hành, như tinh thần Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 5-1-2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 và định hướng quản lý, điều hành giá năm 2023.

Trước hết, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung - cầu và giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu, thuộc diện bình ổn và sẵn sàng điều chuyển hàng hóa khi có dấu hiệu thiếu cục bộ. Cùng với đó là tạo điều kiện để việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, bố trí thêm điểm bán hàng lưu động khi cần; kéo dài thời gian mở cửa bán hàng khi nhu cầu mua sắm tăng cao… Đối với những mặt hàng chiến lược, đầu vào của sản xuất, có tác động lớn đến thị trường, như xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, dịch vụ vận tải…, các bộ, ngành, địa phương chủ động dự báo, có phương án cân đối, không được để xảy ra thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Trường hợp cần thiết, sẵn sàng sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật để kiểm soát, bình ổn thị trường; đi cùng với đó là công khai thông tin về giá, về tình hình cung ứng hàng hóa để ngăn chặn tin đồn ảnh hưởng đến thị trường.

Đặc biệt, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và bán đúng giá, xử lý nghiêm việc lợi dụng diễn biến thị trường tăng giá bất hợp lý, đưa thêm khoản thu ngoài vào giá, găm hàng, tạo ra khan hiếm hàng hóa trên thị trường… Bên cạnh đó, chú trọng kiểm soát, phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả… làm mất ổn định thị trường.

Trong việc bảo đảm cung - cầu thị trường, kiểm soát giá cả hàng hóa, doanh nghiệp phân phối có vai trò quan trọng. Vì thế, doanh nghiệp cần rà soát lại phương án cung ứng hàng, không để thiếu hàng cục bộ tại điểm bán; bổ sung chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm; sẵn sàng tăng giờ bán, thêm nhân lực phục vụ…

Đồng bộ các giải pháp trên giúp chủ động kiểm soát giá ngay những tháng đầu năm, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và tạo dư địa an toàn trong kiểm soát giá cả hàng hóa cả năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiểm soát giá cả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.