An toàn thực phẩm

Chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết, lễ hội Xuân Giáp Thìn

Vũ Minh 28/11/2023 - 16:35

Các sở, ngành chức năng, các địa phương cần chủ động kiểm soát nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Dương lịch 2024, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà tại Hội nghị giao ban trực tuyến về ATTP của Ban chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã, diễn ra ngày 28-11.

pct-ha.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động kiểm soát ATTP dịp Tết, lễ hội xuân Giáp Thìn 2024.

Nguy cơ từ nguồn thực phẩm ngoài Hà Nội

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: 10 tháng năm 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm, trong đó có 6.578 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 14 tỷ đồng.

“Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra. Vẫn còn tồn tại các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm ATTP”, ông Vũ Cao Cương cho hay.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, 11 tháng năm 2023, ngành đã kiểm tra và phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về ATTP, thu giữ nhiều tấn hàng hóa, cá biệt là vụ thu giữ 53 tấn thịt hết hạn sử dụng. Lực lượng quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét xử lý hình sự 5 vụ việc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về ATTP.

Lý giải về những vấn đề còn tồn tại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Nguồn lương thực, thực phẩm của thành phố chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu tiêu dùng, còn lại nhập từ các địa phương khác hoặc từ nước ngoài. Nguồn cung ứng tại chỗ cơ bản kiểm soát tốt, còn nguồn cung ứng từ bên ngoài vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, đòi hỏi nhiều bên cùng vào cuộc để kiểm soát.

Ý kiến của đại diện nhiều sở, ngành, địa phương cũng cho thấy, việc bảo đảm ATTP đã khó, khâu tiêu hủy hàng hóa, sản phẩm vi phạm các quy định ATTP càng khó khăn. Nguyên nhân là chủ sở hữu hàng hóa bị phát hiện thường “bỏ của chạy lấy người”. Thực tế này khiến các bên liên quan phải tìm nơi tạm trữ, sau đó tổ chức tiêu hủy, nhưng trên địa bàn thành phố hiện thiếu điểm tích trữ, các cơ quan chức năng thiếu kinh phí tiến hành tiêu hủy…

90 ngày cao điểm hành động

Để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP, góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe nhân dân, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình bảo đảm ATTP. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận biết thực phẩm an toàn cho người dân; tập huấn công tác bảo đảm ATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống…

diem-cau-long-bien.jpg
Các đại biểu tham gia Hội nghị giao ban công tác ATTP tại điểm cầu Long Biên.

Ở cơ sở, các địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ATTP phù hợp với đặc thù của địa phương. Chẳng hạn, trên địa bàn huyện Mê Linh, hiện có khoảng 15 kho chứa thực phẩm đông lạnh thường xuyên hoạt động.

Huyện Mỹ Đức có lễ hội chùa Hương thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, sử dụng nhiều dịch vụ suốt 3 tháng mùa xuân, nên lực lượng chức năng của huyện chú trọng tập huấn về ATTP cho các hộ kinh doanh.

Với các huyện vùng ngoại thành có nhiều làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm, đại diện các địa phương kiến nghị thành phố hỗ trợ trong công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu, các sở, ngành chức năng, các địa phương tập trung cao độ, hành động quyết liệt nhằm bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch 2024, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Giáp Thìn. Thời gian thực hiện cao điểm trong 90 ngày, từ ngày 15-12-2023 đến hết ngày 15-3-2024.

Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Ban Chỉ đạo công tác ATTP từ thành phố đến cơ sở rà soát lại thành viên, phân công nhiệm vụ và yêu cầu tất cả thành viên vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. Ngoài ra, các ngành, địa phương xác định rõ địa bàn trọng điểm cần tập trung bảo đảm ATTP, đồng thời chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.

Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lực lượng chức năng cần công khai thông tin, nguyên nhân, kết quả xử lý để người dân nắm rõ, chủ động không sử dụng sản phẩm không bảo đảm an toàn. Về phần mình, Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố sẽ khoanh vùng, lựa chọn các địa bàn trọng điểm để kiểm tra đột xuất.

Cho rằng, thông tin phản ánh của người dân về ATTP có vai trò quan trọng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý các đơn vị chức năng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận.

Đường dây nóng của Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố vận hành, làm đầu mối tiếp nhận thông tin 24/7. Từ thông tin tiếp nhận, các bên có trách nhiệm xác minh, vào cuộc xử lý trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết, lễ hội Xuân Giáp Thìn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.