An toàn thực phẩm

Tăng cường phối hợp quản lý an toàn thực phẩm

Quỳnh Dung 11/11/2023 - 06:52

Thời gian qua, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh việc phối hợp quản lý an toàn thực phẩm với các tỉnh, thành phố.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng.

nong-san.jpg
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Hội chợ giới thiệu nông sản đặc sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, tháng 9-2023.

- Xin bà cung cấp một số thông tin về tình hình cung ứng nông, lâm, thủy sản hiện nay của thành phố Hà Nội?

- Diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội rất lớn, diện tích trồng lúa 159 nghìn héc ta, diện tích trồng rau đạt 34 nghìn héc ta, cây lâu năm 24 nghìn héc ta; đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm đạt 40 triệu con (đứng đầu cả nước; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung; 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản làm ra mới chỉ đáp ứng 20-70% (tùy theo các sản phẩm) cho hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu từ nước ngoài.

Do đó, trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kết nối nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã ký kết “Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng... Nội dung liên kết hợp tác tập trung vào 2 lĩnh vực liên kết đầu tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Hà Nội duy trì và phát triển 926 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.

- Vậy theo bà, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến kinh doanh, Hà Nội đã đẩy mạnh thông qua việc lấy mẫu giám sát điều kiện an toàn thực phẩm?

- Để giám sát chặt chẽ nguồn gốc nông sản từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, 9 tháng năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành lấy 826 mẫu để kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Đã có kết quả 658 mẫu, trong đó có 632 mẫu đạt bảo đảm an toàn thực phẩm và 25 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm.

- Hiện nay, vấn đề phối hợp công tác quản lý an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố còn khó khăn như thế nào?

- Thực tế, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, hữu cơ... Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Do đó, gây khó khăn cho việc quản lý an toàn thực phẩm của các ngành chức năng.

Công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển từ một số tỉnh, thành phố về Hà Nội chưa đạt yêu cầu. Do đó, khi các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra về vệ sinh an toàn vẫn phát hiện một số mẫu vi phạm về chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

- Vậy khắc phục những khó khăn và quản lý chặt chẽ nguồn gốc nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, thời gian tới các địa phương cần có những giải pháp như thế nào, thưa bà?

- Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, thời gian tới các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi sản xuất để xác nhận sản phẩm an toàn. Trong đó, các tỉnh tham gia quản lý khâu sản xuất, sơ chế ban đầu, Hà Nội quản lý khâu chế biến, kinh doanh và ngược lại. Cùng với đó, các địa phương định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh hợp tác trong công tác quản lý nhà nước trong nông nghiệp; tổ chức các đoàn công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Qua đó để có nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô và các ngành chức năng thuận lợi hơn trong việc quản lý an toàn thực phẩm.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phối hợp quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.