(HNM) - Hôm qua 14-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng các Phó chủ tịch đã giao ban công tác với lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương về một số yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách năm 2011. UBND TP đã xác định một tinh thần vào cuộc mới cho lãnh đạo các cấp, ngành trước những thử thách mới trong năm 2011.
Nhiều dự án mới
Giám đốc Sở Công thương Lưu Tiến Long cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng tăng cường giá trị tri thức trong mỗi sản phẩm. Trong đó, các sản phẩm chủ lực sẽ được tập trung đầu tư cho khâu thiết kế và quản lý. Năm 2010, hệ thống phân phối đã được cải thiện với việc phát triển một số siêu thị ở các huyện ngoại thành phía tây, năm nay, xu hướng này sẽ chuyển sang các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm… Giám đốc Sở Công thương đề nghị UBND TP chỉ đạo các huyện phối hợp, tạo điều kiện về đất, đồng thời chỉ đạo để các chợ ở các quận, huyện, thị xã có thể tổ chức các gian hàng bình ổn giá….
Ngành nông nghiệp dự định sẽ hoàn thành một số quy hoạch quan trọng, nổi bật là quy hoạch nông thôn mới với 401 xã. Đây là công trình có ý nghĩa định hướng quan trọng đối với phát triển nông thôn Hà Nội vốn chiếm tới 60% diện tích. Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Xuân Việt đề nghị UBND TP thông báo rõ việc thành phố chỉ hỗ trợ các xã thực hiện quy hoạch, xây dựng nông thôn mới phải căn cứ chủ yếu vào nội lực của các địa phương.
Khẳng định phát triển giao thông là khâu đột phá, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị UBND TP có cơ chế thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng khung như đường trên cao tuyến Vành đai 2 - cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Cầu Giấy. Vì đây là dự án lớn, cần nguồn lực lớn nên phải tập trung ngay.
Đề cập mạnh mẽ đến biến đổi khí hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Vũ Văn Hậu nói: "Tiết kiệm điện và nước sạch là vấn đề cấp bách, phải tổ chức tuyên truyền và có phương án giá cả để tăng cường việc này". Đề cập vấn đề cải cách hành chính (CCHC), Giám đốc Sở TNMT Vũ Văn Hậu cho rằng, bên cạnh chú ý CCHC phục vụ công dân, tổ chức, năm 2011 Hà Nội cần tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính giữa các ngành, các cấp với nhau: "Các ngành phối hợp chưa hiệu quả, còn cản trở nhau. Sở chúng tôi sẽ quan tâm ngay việc này".
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Quốc Bản đề nghị TP chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện 10 dịch vụ công như đăng ký hộ khẩu, hộ chiếu, xe máy, đăng ký kinh doanh… Đồng thời thúc đẩy ứng dụng CNTT vào quản lý, trong đó cần ưu tiên tập huấn kỹ năng cho đội ngũ lãnh đạo các ngành, các cấp. "Hà Nội vẫn còn thua xa so với Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, nên phải cố gắng hơn nhiều".
Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) có 3 dự định đáng chú ý, trước mắt là kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai các quy hoạch chi tiết phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu nhằm giải quyết hàng loạt dự án đang nằm chờ. Ngoài ra, Sở dự kiến đề xuất cải tiến quy trình duyệt các đồ án quy hoạch vốn đang rất rắc rối, mất thời gian và xây dựng quy định cho phép thực hiện các dự án nhỏ lẻ trong khi quy hoạch chưa được duyệt, nhưng có kiểm soát.
Chủ động xác định nguồn lực, giải pháp thực hiện
Kết luận cuộc giao ban, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nêu bật tinh thần chủ động, trách nhiệm trong công việc mà các cấp, các ngành cần phải thể hiện cụ thể trên công việc trong năm nay. Đặc biệt, trong việc triển khai dự án xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng bệnh viện, xây dựng nghĩa trang… Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các sở, ngành, địa phương chủ động xác định nguồn lực, giải pháp thực hiện, không quá trông chờ và phụ thuộc vào xã hội hóa hay nguồn lực từ trung ương. "Xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy là rất cấp thiết. Dù có đề án quốc gia, nhưng Hà Nội phải chủ động khắc phục vì "thủ phạm gây ô nhiễm" chính là ở Hà Nội. Các cơ quan phải phối hợp với Sở TNMT tham mưu cho UBND TP huy động nguồn lực để thực hiện".
Trong quý I, các sở, ngành liên quan phải tập trung cao độ vào công tác quy hoạch, trước hết là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Song song, triển khai các quy hoạch chuyên ngành, đặc biệt là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Chủ tịch UBND TP cho biết, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã xem xét dự thảo quy hoạch này lần cuối, sắp tới sẽ trình Bộ Chính trị để triển khai phê duyệt. "Tôi đã ký nhiệm vụ thiết kế 17 quy hoạch phân khu chức năng, các sở, ngành phải tích cực hoàn thành sớm nhất có thể. Không có quy hoạch này sẽ không làm được quy hoạch chi tiết" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nói.
Năm 2011, Hà Nội bắt đầu thực hiện khâu đột phá là đầu tư phát triển hạ tầng, nhưng theo Chủ tịch UBND TP, hạ tầng cần tập trung trong năm nay là giảm ùn tắc giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo vệ, nâng cấp mỹ quan đô thị. Trong giao thông phải tập trung xây dựng các tuyến đường vành đai như Trần Khát Chân, Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, giải quyết các "nút cổ chai" bằng phương án giao thông khác cốt như trên đường Trường Chinh, cầu Trung Hòa, Hoàng Cầu… "Cần thiết có thể làm cầu vượt bằng kim loại, có đắt nhưng giải quyết nhanh ùn tắc giao thông cũng phải làm" - Chủ tịch chỉ đạo. Về dự án đường sắt trên cao, Chủ tịch UBND TP cho rằng, việc chậm triển khai dự án là vì năng lực hạn chế, nên Sở Nội vụ nghiên cứu cần thiết tách ra mỗi đoạn sẽ thành lập một ban quản lý để thực hiện. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh một số lĩnh vực, dự án cần phải tập trung trong năm 2011 như nhà ở xã hội, Nhà hát Thăng Long, xây dựng quy hoạch nông thôn mới… Về đầu tư hạ tầng nông thôn, thành phố sẽ giao trách nhiệm phê duyệt và kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án.
Về cơ chế chính sách, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành tập trung đáp ứng các điều kiện, bổ sung kịp thời cho dự thảo Luật Thủ đô đủ sức thuyết phục và có thể được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Đồng thời tiến hành ngay việc rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy định của thành phố, nhất là về lĩnh vực đô thị như chất lượng xây dựng đô thị, môi trường - mỹ quan đô thị, nhà "siêu mỏng, siêu méo", kiến trúc đô thị, xả rác ra đường… để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng GDP 12% trong năm 2011, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường đối thoại, gặp gỡ để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.