(HNM) - Suốt thời gian dài, nghệ thuật hàn lâm Việt Nam như một "nốt trầm", bởi sự xa lạ, khó hiểu với gu cảm nhận của số đông khán giả trong nước. Nhưng nay, nghệ thuật hàn lâm đã có bước chuyển mình tích cực khi các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng, nhà hát nhạc vũ kịch đã có số lượng công chúng nhất định; các chương trình biểu diễn diễn ra thường xuyên hơn. Trong đó có nhiều vở ballet, đêm nhạc thính phòng liên tục “cháy vé”. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, đời sống âm nhạc có những thay đổi và nghệ thuật hàn lâm không còn quá xa lạ với công chúng nước ta.
Chuyển biến đó có sự đóng góp quan trọng của nhiều người làm nghề trong việc tích cực đổi mới, đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng. Thay vì ngồi chờ công chúng đến thưởng thức nhạc giao hưởng, thính phòng trong nhà hát, một số đơn vị đã chủ động đưa các loại hình nghệ thuật hàn lâm xuống đường phố, về với vùng nông thôn, khiến thể loại này gần gũi, thân thiện hơn với công chúng. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ có những sáng tạo táo bạo, mang tới những sản phẩm đặc sắc, gây ấn tượng mạnh với công chúng. Đơn cử như thể loại nhạc kịch đã đề cập đến nhiều vấn đề gần gũi với người dân hơn; nhiều vở ballet đã có sự kết hợp giữa âm nhạc bán cổ điển và âm nhạc dân gian Việt Nam… Những sắc thái mới này đã được công chúng đón nhận, đánh giá rất cao.
Như nhiều chuyên gia khẳng định, nghệ thuật hàn lâm là cốt lõi của nghệ thuật, có khả năng hội nhập quốc tế và đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho công chúng. Vì vậy việc duy trì, phổ biến mạnh hơn các tác phẩm trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.
Để làm được điều này, trước tiên cần thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ lứa tuổi nhỏ, làm sao để mỗi người dân Việt Nam đều được tiếp cận, làm quen ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, đó là giải pháp dài hạn. Còn điều cần làm hiện nay là những người làm nghề phải sáng tạo ra những sản phẩm theo hướng gần gũi, phổ cập hơn, thu hút được khán giả nhưng vẫn giữ được nét hàn lâm, kinh điển. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chủ động đến với khán giả, tạo nên thói quen nghe nhạc, xem kịch cho công chúng. Đồng thời, các đơn vị nghệ thuật cũng nên có kế hoạch truyền thông, quảng bá mạnh mẽ để thu hút công chúng.
Với cơ quan quản lý, trước hết là tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Bên cạnh đó là có chính sách về chuyên môn, đầu tư về vật chất và sự đãi ngộ cho những nghệ sĩ theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm; tạo điều kiện cho họ có được “đất diễn”, không gian và môi trường hoạt động nghệ thuật nghiêm túc. Đồng thời có chiến lược đào tạo bài bản đối với những sinh viên, giảng viên trẻ bằng việc gửi họ sang những nước có nền nhạc kịch, giao hưởng, thính phòng phát triển để tu nghiệp, sau đó trở về nước cống hiến, góp phần phát triển nghệ thuật hàn lâm nước nhà.
Bên cạnh công tác đào tạo, sử dụng nhân tài, cũng cần có kế hoạch đặt hàng hoặc hỗ trợ kinh phí cho một số đơn vị, cá nhân trong sáng tạo, tổ chức sản xuất các tác phẩm ở thể loại này. Đây sẽ là khâu khá quan trọng trên con đường phát triển, khẳng định bản sắc của nghệ thuật hàn lâm Việt Nam.
Luôn tìm cách làm mới, chuyển mình theo dòng chảy của thời đại và chủ động đến với khán giả, nghệ thuật hàn lâm Việt Nam sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.