Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nghệ thuật hàn lâm, truyền thống đến khán giả trẻ: Xây dựng nền tảng nghệ thuật vững chắc

An Nhi| 19/03/2023 06:11

(HNM) - Sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án đưa nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng đặc biệt hướng tới khán giả trẻ, là tín hiệu đáng mừng và cần khuyến khích. Bên cạnh việc tiếp cận khán giả đại chúng, những dự án âm nhạc này còn góp phần xây dựng cộng đồng cảm thụ nghệ thuật văn minh, có chiều sâu, từ đó tạo nền tảng nghệ thuật vững chắc cho cộng đồng.

Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) trong chuỗi hòa nhạc cộng đồng.

Đem giá trị nghệ thuật đến cộng đồng

Nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống là tinh hoa của đời sống, có giá trị tư tưởng, triết lý và tính nghệ thuật cao. Vì thế, nhiều nghệ sĩ mong muốn lan tỏa. Dự án Solla Music - Hòa nhạc sân trường là một sáng kiến của nhạc sĩ Trí Minh, Tiến sĩ âm nhạc Triệu Tú My và ông Phạm Trần Thọ, nhằm tổ chức chuỗi festival âm nhạc tại các trường học để mang âm nhạc cổ điển, âm nhạc truyền thống đến với các bạn trẻ và phụ huynh. Trong không gian Solla Music, âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống sẽ hòa trộn cùng các loại hình âm nhạc đương đại như pop, jazz, rock để dễ tiếp cận khán giả hơn. Sự đồng hành hỗ trợ chuyên môn và tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ sĩ, nhà giáo trong lĩnh vực âm nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội, các trường học và trung tâm nghệ thuật uy tín bảo đảm chất lượng cho dự án.

“Solla Music Chu Văn An 2023” - festival mở màn dự án diễn ra tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) vào ngày 25-3, đang “nóng” dần với sự góp mặt của các nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc cùng các nhóm nhạc nổi tiếng Da LAB, Ngũ Cung… Bên cạnh thưởng thức những tiết mục âm nhạc hấp dẫn, tại đây, các bạn trẻ còn được tham gia các hội thảo âm nhạc và chứng kiến cuộc thi đấu sôi động giữa các ban nhạc học sinh trên địa bàn Hà Nội. Lê Đức Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú (quận Đống Đa) háo hức: “Em rất mong đến chương trình Solla Music không chỉ để thưởng thức âm nhạc của Da LAB em yêu thích mà còn muốn tìm hiểu về âm nhạc cổ điển, âm nhạc truyền thống”.

Bước vào năm thứ hai hoạt động, Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam - Vietnam Youth Orchestra (VYO), với gần 100 thành viên từ 12 đến 22 tuổi, đang tích cực luyện tập để tiếp tục thực hiện những chương trình biểu diễn đẳng cấp và đặc biệt là chương trình hòa nhạc cộng đồng, đưa âm nhạc cổ điển, hàn lâm đến đông đảo khán giả. Bên cạnh dự án này, nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc còn tiếp tục điều hành dự án “Schubert in a Mug” thực hiện các buổi trình diễn âm nhạc kết hợp trò chuyện diễn ra định kỳ với quy mô vừa và nhỏ tại Hà Nội.

Mới ra mắt gần đây, “Xẩm trong phố” - chuỗi sự kiện do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, nhằm đưa nghệ thuật hát xẩm gần gũi, thích nghi trong cuộc sống hiện đại, đang thu hút được nhiều khán giả, vào dịp cuối tuần, tại không gian số 2 Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng). Chương trình có nội dung đặc sắc, khai thác nhiều khía cạnh trong nghệ thuật hát xẩm như biểu diễn, kể chuyện, giao lưu, tìm hiểu về bộ môn và nghề hát xẩm xưa.

Nhà hát Tuồng Việt Nam với đề án “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ” tổ chức hàng chục buổi biểu diễn, giao lưu tại các trường học trên địa bàn Hà Nội. Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long không chỉ biểu diễn mà còn có chương trình trải nghiệm các bộ môn nghệ thuật truyền thống dành cho khán giả trẻ hấp dẫn...

Chương trình biểu diễn “Xẩm trong phố” của Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam thu hút đông đảo khán giả.

Xây dựng cộng đồng cảm thụ nghệ thuật

Thực hiện những chương trình, dự án nghệ thuật cộng đồng, đưa âm nhạc hàn lâm, bác học hay nghệ thuật truyền thống đến khán giả là thách thức không nhỏ nhưng vẫn có nhiều nghệ sĩ tâm huyết. Tiến sĩ Triệu Tú My, giảng viên khoa piano Học viện Âm nhạc Việt Nam, Giám đốc Âm nhạc “Solla Music - Hòa nhạc sân trường” chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án: “Trong quá trình 30 năm làm công tác giáo dục, tôi nhận thấy, hiện ở Việt Nam rất thiếu sân chơi, điểm hẹn để phụ huynh thêm hiểu về con mình và để học sinh trao đổi thông tin, bổ sung kiến thức về nghệ thuật cùng những kỹ năng cần thiết làm hành trang cho tương lai”. Nhạc sĩ Trí Minh, tổng đạo diễn “Solla Music - Hòa nhạc sân trường” cho rằng, việc đưa âm nhạc cổ điển, âm nhạc dân tộc tới trường học, tạo lập sân chơi dành cho các nghệ sĩ trẻ, sinh viên, học sinh yêu âm nhạc và có năng khiếu sẽ góp phần xây dựng cộng đồng cảm thụ nghệ thuật văn minh, có chiều sâu, tạo sự tự tin cho các bạn trẻ khi bước ra thế giới.

Theo nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam Phan Đỗ Phúc, việc kết nối, giáo dục, tổ chức các hoạt động cộng đồng nên được coi là vai trò của một nghệ sĩ trong thế kỷ XXI, nhằm đưa những tinh hoa nghệ thuật đến với công chúng và hướng cộng đồng, nhất là các bạn trẻ, đến những giá trị chân, thiện, mỹ.

Luôn trăn trở để đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận với khán giả trẻ, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nhận định: “Khi khán giả nói chung, khán giả trẻ nói riêng cảm nhận được cái hay, cái đẹp và những giá trị của nghệ thuật tuồng, thì chắc chắn họ sẽ có trách nhiệm bảo tồn cùng với những người làm nghề”. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, để thực hiện những dự án, chương trình đưa tinh hoa nghệ thuật đến công chúng đạt hiệu quả phải có các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, có đầu tư về nội dung và chất lượng nghệ thuật và cần thiết có sự chung tay của xã hội.

Sự nỗ lực, tâm huyết của các nghệ sĩ cùng những đón nhận tích cực của khán giả trẻ với các dự án nghệ thuật hàn lâm và truyền thống sẽ góp phần xây dựng nền tảng nghệ thuật vững chắc trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa nghệ thuật hàn lâm, truyền thống đến khán giả trẻ: Xây dựng nền tảng nghệ thuật vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.