Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động các phương án đón người dân về Thủ đô trong nhiều ngày

Chu Dũng| 26/01/2023 17:00

(HNMO) - Ngày 26-1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, năm nay, ngày đi làm đầu tiên rơi vào ngày làm việc cuối cùng của tuần - thứ sáu - nên dự kiến tình trạng gia tăng lượng người và phương tiện từ các vùng miền đổ về Thủ đô còn kéo dài đến hết chủ nhật. Do đó, đơn vị đã chủ động lên phương án đón người dân với phương châm linh hoạt, không bị động trước mọi tình huống và sẵn sàng giúp đỡ mọi trường hợp.

Áp lực giao thông bắt đầu gia tăng từ đầu giờ chiều mùng 5 Tết.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, việc đưa đón người dân an toàn từ quê lên Thủ đô lao động, học tập được coi như nhiệm vụ quan trọng của đơn vị trong những ngày đầu năm Quý Mão. 

Chủ động phân luồng từ cửa ngõ Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Ghi nhận, bắt đầu từ trưa mùng 5 Tết, trên khu vực đầu cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, vành đai 3, các quốc lộ 2, 3, 6 và 32…, mật độ phương tiện gia tăng.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, tại khu vực quận Hà Đông và dọc tuyến đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân đón dòng phương tiện từ các tỉnh Tây Bắc về Thủ đô, đơn vị đã bố trí cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các điểm nút quan trọng. Trên đường dẫn lên, xuống Vành đai 3 trên cao cũng luôn có lực lượng phân luồng. Ngoài ra, đơn vị còn sẵn sàng phương án bố trí xe cẩu giải quyết khi có sự cố hỏng xe, va chạm xảy ra.

Phối hợp chặt với lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).

Trên quốc lộ 32 đón dòng phương tiện từ hướng Bắc và Tây Bắc đổ về, ngay từ đầu tuyến là cầu Trung Hà (huyện Ba Vì) nối sang tỉnh Phú Thọ và cầu Vĩnh Thịnh (thị xã Sơn Tây) nối sang tỉnh Vĩnh Phúc, Đội Cảnh sát giao thông số 9 cùng công an địa bàn đều bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng.

Thiếu tá Nguyễn Quang Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9 cho biết, do quốc lộ 32 chạy dài qua huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, quận Bắc Từ Liêm đến Cầu Giấy, nên ngoài Cảnh sát giao thông, còn có sự phối hợp phân luồng điều tiết của lực lượng trên địa bàn.

“Quan trọng nhất vẫn là ý thức người tham gia giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông vì mục tiêu chung hướng tới an toàn trên mọi cung đường. Trong quá trình di chuyển đường dài, người dân cần lưu ý nghe thông tin để có lộ trình hợp lý và tuân thủ về khoảng cách, tốc độ cũng như sự điều tiết của lực lượng chức năng”, Thiếu tá Nguyễn Quang Tú cho biết.

Phương án phân luồng bảo đảm linh hoạt, ứng phó kịp thời.

Tương tự, ở hướng chính phía Nam ở cửa ngõ Thủ đô (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên), Đội Cảnh sát giao thông số 8 đã ứng trực địa bàn giáp ranh với tỉnh Hà Nam để chủ động hướng dẫn phương tiện di chuyển theo 2 hướng nhập vào cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân và đi theo quốc lộ 1A cũ…

Trực tiếp chỉ huy điều tiết giao thông đoạn đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Trung tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 thông tin, mật độ di chuyển trên cao tốc và quốc lộ 1 hướng về Hà Nội đều được phối hợp thông tin để kiểm soát "đầu ra" tại Hà Nội. Riêng trong chiều 26-1, có những thời điểm đường vành đai 3 ùn ứ, đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tạm thời chặn lối rẽ từ đầu đường cao tốc nhập vào đường vành đai. Đồng thời, cùng với Công an quận Hoàng Mai, Thanh tra giao thông giải quyết triệt để ùn ứ tại nút giao Ngọc Hồi - Giải Phóng và trước cổng Bến xe phía Nam…

Những tình huống phát sinh đều được xử lý kịp thời.

Lường trước tình huống như đã xảy ra trong chiều 25-1 (mùng 4 Tết) khi lượng xe trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình chiều về Hà Nội tăng gấp nhiều lần dẫn đến ùn tắc tại các nút giao và trạm thu phí, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chốt trực tại các nút giao vực Vòng, nút giao Liêm Tuyền và trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, sẵn sàng yêu cầu lực lượng chốt trực tại nút giao Cao Bồ (đầu vào cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình) phía Ninh Bình đóng đường dẫn vào cao tốc.

Sau khi đóng đường vào cao tốc từ phía Ninh Bình, Cảnh sát giao thông hướng dẫn phương tiện đi vào quốc lộ 10 và quốc lộ 1 cũ để về Hà Nội. Lộ trình di chuyển theo hướng dẫn thường xa hơn từ 10 đến 30km so với đi cao tốc, nhưng đã có sự phối hợp với Cảnh sát giao thông các địa phương để tổ chức, hướng dẫn từ xa cho phương tiện đi vào Hà Nội, giảm lưu lượng xe đi vào các tuyến cao tốc, trục đường hướng tâm.

Chủ động giúp đỡ người dân.

Ở hướng Tây Bắc theo quốc lộ 2, 3 về Hà Nội, ngay điểm tiếp giáp Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, Đội Cảnh sát giao thông số 15 đã chủ động thông tin liên lạc thông suốt với Cảnh sát giao thông các tỉnh bạn để đón người dân về.

Trung tá Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15 cho biết, đơn vị đã tăng cường thêm các tổ tuần tra lưu động bằng mô tô dọc các quốc lộ để sẵn sàng hỗ trợ người dân. Đồng thời, tại khu vực trước Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đơn vị duy trì ứng trực cùng Thanh tra giao thông, Công an huyện Sóc Sơn giải quyết triệt để việc dừng đỗ đón khách, vi phạm sai làn, vi phạm tốc độ là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc giao thông.

Các phương tiện di chuyển chậm theo sự điều tiết của Cảnh sát giao thông.

Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, các Đội cảnh sát giao thông trong nội đô cũng chủ động ứng trực tại các điểm vui chơi công cộng, điểm du lịch tâm linh, phối hợp giải quyết tình trạng ùn ứ để không bị động khi dòng người và phương tiện cùng lúc từ các hướng ngoại thành đổ về. Phương án ứng trực không phụ thuộc vào giờ giấc, có thể làm xuyên đêm tùy vào tình hình thực tế, sẵn sàng đón người dân trở lại Thủ đô lao động, học tập an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các phương án đón người dân về Thủ đô trong nhiều ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.