Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động các giải pháp

Bắc Vũ| 14/04/2023 05:35

(HNM) - Là địa bàn rộng, tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội… nên vấn đề bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm, nông sản luôn được thành phố Hà Nội quan tâm và được kiểm soát tương đối tốt.

Trong thông báo kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2022 của Bộ NN&PTNT vừa công bố, thành phố Hà Nội đứng ở vị trí thứ 25 (cao hơn vị trí thứ 31 của năm 2021) với 82,5 điểm, ở nhóm địa phương triển khai tốt. Đạt được kết quả này, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, thành phố Hà Nội đã từng bước mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, hữu cơ, an toàn sinh học; tăng số lượng chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu dùng; xây dựng thương hiệu nông sản… Đặc biệt, người tiêu dùng của Thủ đô đã dần chuyển sang sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nông sản vẫn đối mặt với những thách thức nhất định. Đó là việc kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật; hóa chất bảo quản nông sản, thịt gia súc, gia cầm, hải sản… còn khó khăn. Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do cơ sở sản xuất thủ công theo quy mô hộ gia đình khá nhiều; vẫn còn tình trạng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường…

Thành phố Hà Nội vừa triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (từ ngày 15-4 đến 15-5); thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm... Là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai sự kiện này, cho thấy thành phố Hà Nội luôn chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa để quyết tâm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phản ánh đúng tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành cần tăng cường kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra, các cấp, ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền những mô hình tốt để nhân rộng trên toàn thành phố; đồng thời, công khai cơ sở vi phạm và việc xử lý vi phạm. Hoạt động kiểm tra trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” cũng cần được các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm thực sự minh bạch, khách quan để mang lại hiệu quả cao.

Từ việc triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, bao gồm cả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, các đơn vị, địa phương cần chủ động rút ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị để tiếp tục xây dựng kế hoạch tổng thể cho việc triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm, nông sản của thành phố Hà Nội xuyên suốt năm 2023 và những năm tiếp theo; kiên quyết tránh tình trạng ra quân ồ ạt một thời gian rồi “hụt hơi”. Như vậy dễ dẫn đến việc xử lý vi phạm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, không hiệu quả.

Về phía người sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc của mình; kiên quyết nói không với sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng… Người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo chọn lựa thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm; nếu phát hiện vi phạm cần báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Chỉ khi chủ động triển khai những giải pháp và các bên liên quan vào cuộc quyết liệt, việc bảo đảm an toàn thực phẩm mới thực sự hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.