Tô Văn Tập tự nhận mình là “con nuôi” của một thứ trưởng Bộ Công an để lừa “chạy án”. Anh ta tự nhận là nhà báo để đi xin dự án cho doanh nghiệp.
Tự nhận nhà báo để lừa chủ doanh nghiệp
Tô Văn Tập (SN 1972, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hầu tòa Hà Nội ngày 8/4 để xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tập và ông N.T.S – Giám đốc một công ty ở Quảng Ninh vốn là chỗ quen biết. Với ông N.T.S, Tập giới thiệu là nhà báo của báo Tin nhanh 24h, là cháu của một đồng chí lãnh đạo cấp cao, quan hệ thân thiết với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và một số Bộ, ngành.
Tô Văn Tập tại tòa sơ thẩm |
Biết ông N.T.S đang cần bã xít – là phần bỏ đi sau khi sàng lấy than – để san lấp xây dựng, Lập nói sẽ nhờ người tác động đến Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.
Nhìn những bức ảnh Tập chụp chung với một số lãnh đạo cao cấp, giám đốc doanh nghiệp tin tưởng. Cuối tháng 1/2014, ông N.T.S cùng nhân viên đến nhà tập ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội đưa cho nhà bảo “dởm” 1 tỷ đồng để nhờ vả. Tập viết giấy biên nhận với cam kết: Sau 45 ngày công ty của ông N.T.S sẽ được khai thác bã xít.
Một tháng sau, Tập đi cùng với một phụ nữ mà anh ta tự giới thiệu là thư ký riêng đến gặp ông N.T.S thông báo: Người quen của Tập đã đề nghị Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cho công ty của ông N.T.S được khai thác bã xít. Việc với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam coi như xong, nhưng Tập đề nghị ông N.T.S chi thêm 300 triệu để “quan hệ” với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Vị giám đốc này không mảy may nghi ngờ, trao ngay cho Tập 300 triệu đồng. Đến hẹn, công ty của ông N.T.S không được khai thác bã xít nên yêu cầu trả lại tiền.
Nhận 1,3 tỷ đồng nhưng Tập chỉ trả 500 triệu với lý do số tiền còn lại anh ta đã đi “ngoại giao” hết.
Xót của, ông N.T.S thuê một số đối tượng ở Hà Nội truy kẻ lừa đảo. Chiếc xe ô tô và số tiền gần 70 triệu đồng bị giữ lại, đồng thời Tập còn phải viết giấy cam kết trả hết nợ.
Sau sự việc Tập viết đơn lên cơ quan công an tố cáo ông N.T.S, ngược lại vị giám đốc này cũng tố cáo hành vi lừa đảo của Tập. Với sự vào cuộc của cơ quan điều tra, ông Tập được trả lại số tiền 708 triệu đồng. Vị giám đốc này cũng “bo” lại cho Tập 50 triệu đồng – gọi là tiền xăng xe. Số tiền còn lại giám đốc không yêu cầu Tập bồi thường.
Nhận tiền lừa đảo ngay trước trụ sở công an
Tô Văn Tập thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Triệu (trụ sở tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tuy nhiên công ty này của Tập hoàn toàn không hề có hoạt động kinh doanh gì.
Không biết nghe ngóng ở đâu, Tập được hay, nhiều người có nhu cầu muốn xin cho người nhà bị bắt vì phạm tội được tại ngoại, nên đi đâu anh ta cũng rêu rao mình là “con nuôi” của một thứ trưởng Bộ Công an.
Tài liệu tố tụng xác định, để mọi người tin tưởng, Tập thường dùng thủ đoạn lấy ảnh của Tập ghép với ảnh của một số đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp, rồi photoshop, phóng to để chứng minh mối quan hệ mất thiết của mình với các đồng chí lãnh đạo. |
Hay tin, người thân của bị can Phạm Thanh Hải – Giám đốc Công ty IDT đang bị cơ quan điều tra, Công an Hà Nội bắt giữ về hành vi kinh doanh trái phép đến tìm gặp.
Vừa giới thiệu mình là con nuôi lãnh đạo ngành công an, Tập lại vừa lấy một số ảnh chụp chung với một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước ra khoe, đồng thời anh ta hứa, sẽ nói với “bố nuôi” chỉ đạo Công an Hà Nội cho Hải được tại ngoại.
Ngày 23/10/2015, chị Y - vợ của bị can Hải đến gặp Tập. Anh ta ra giá một chiếc điện thoại Vertu (682 triệu đồng) để làm quà biếu. Cùng ngày, khi cầm điện thoại trong tay, Tập ngồi trên xe Mercedes chở hai chị Y. cùng đến trước trụ sở Bộ Công an. Đến nơi, anh ta bảo mọi người ngồi trong xe rồi một mình vào gặp bảo vệ.
Tuy nhiên sau khi gặp xong bảo vệ, Tập đi ra thông báo: “Bố nuôi đang đi họp, không gặp được. Tối Tập sẽ đến nhà riêng đặt vấn đề của Hải và biếu chiếc điện thoại”. Và chiếc điện thoại Vertu chính thức lọt vào tay Tập.
Ngày 27/10/2015, bị can Phạm Thanh Hải bị cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn. 3 ngày sau, không biết từ đâu, Tập biết bị can Hải bị bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tập ngay lập tức chủ động điện thoại cho chị Y. và nói rằng, chỉ có Tập mới lo được cho Hải tại ngoại. Giá để ngoại giao “chạy án” là 500.000 USD, trong đó “công” của Tập là 100.000 USD. Tập đòi gửi số tiền này vào tài khoản nhưng khi chuyển tiền phải viết lý do: “Hợp tác đầu tư hoặc làm ăn, kinh doanh”.
Sáng 6/11/2015, Tập bảo người nhà của bị can Hải đưa tiền đến trước cổng Bộ Công an ngồi chờ. Lúc này, Tập giả là cán bộ vào liên hệ công tác nên được bảo vệ cho vào trong trụ sở. Một lúc sau, Tập gọi điện cho người nhà bị can thông báo, ngoài số tiền 600 triệu đồng đang mang theo thì chuẩn bị thêm 10 tỷ đồng để lo cho Hải được tại ngoại.
Khoảng 1 tiếng sau, Tập gọi điện cho người nhà bị can Hải thông báo: “Bố nuôi đã điện thoại cho giám đốc Công an Hà Nội”. Tập yêu cầu người nhà bị can Hải đem tiền đến đợi trước cổng trụ sở Công an Hà Nội.
Đến chỗ hẹn, Tập yêu cầu người nhà bị can Hải xem phong bì. Xong rồi anh ta đi vào trụ sở Công an TP.Hà Nội.
Đi loanh quanh một lúc, Tập ra gặp người nhà bị can Hải thông báo rằng: Giám đốc Công an Hà Nội không có nhà, cứ để lại số tiền 600 triệu đồng để Tập tự xử lý, không phải đi lại nhiều.
Khi người nhà bị can Hải đi về, Tập lái xe đến trước khu vực cổng Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô thì bị Công an Hà Nội bắt quả tang cùng 600 triệu đồng.
Với việc bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, điều 139 Bộ luật Hình sự, Tô Văn Tập bị TAND Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù giam./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.