Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống tế bào ung thư bằng dinh dưỡng hợp lý

Xuân Lộc| 21/08/2020 06:31

(HNM) - Căn bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh với mọi người. Điều đáng nói là đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, nên nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư. Trong khi trên thực tế, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng, kịp thời và kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh ung thư hiệu quả.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (Hà Nội) chuẩn bị khẩu phần ăn cho bệnh nhân. Ảnh: Trang Thu

Nhịn ăn, bỏ đói tế bào ung thư là phản khoa học

Tại Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người đang phải chiến đấu với bệnh ung thư. Trung bình mỗi năm, nước ta có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đến là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi...

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư (Bệnh viện K), ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng hơn.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng, chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị, tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, trong số các bệnh nhân tử vong vì ung thư có 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Rất ít bệnh nhân quan tâm đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý. Thậm chí, nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Gần đây, mạng xã hội có nhiều thông tin cho rằng, nếu người bệnh ung thư duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều dưỡng chất thì đồng nghĩa với việc nuôi các tế bào ung thư. Về vấn đề này, GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K) khẳng định, không thể phân tách rạch ròi thức ăn nào là dành cho tế bào khỏe mạnh, thức ăn nào là dành cho tế bào ung thư. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn cách ăn kiêng khem thái quá, “quan điểm để tế bào ung thư chết đói” là vô lý và phản khoa học.

Cũng theo GS.TS Lê Thị Hương, có một thực trạng hiện nay là bệnh nhân ung thư thường lựa chọn chế độ ăn kiêng một cách cực đoan. Bởi họ lo sợ rằng, nếu nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ “vỗ béo” tế bào ung thư khiến bệnh phát triển nhanh hơn. Thậm chí, không ít bệnh nhân ung thư còn nghĩ rằng, với cách tuyệt thực như vậy có thể ép chết tế bào ung thư và mình có thể khỏi bệnh. Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng này được cổ xúy trên các trang mạng xã hội. Điều đáng tiếc là không ít những kênh trực tuyến bán thực phẩm ăn kiêng, đồ thực dưỡng bám vào tâm lý này của người bệnh ung thư mà đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khoa học.

Không cần ăn kiêng nghiêm ngặt

Theo GS.TS Lê Thị Hương, ung thư là một bệnh mạn tính, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Song song với đó, tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư giúp hồi phục tình trạng suy mòn, suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó, các phương pháp điều trị ung thư, như: Hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch... có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Vì vậy, mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi và điều trị bệnh.

GS.TS Lê Thị Hương khuyến cáo, với người bệnh đang điều trị ung thư không cần kiêng khem nghiêm ngặt mà chỉ nên lưu ý một số điểm. Cụ thể là ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Mặt khác, người bệnh nên được bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (như sữa dinh dưỡng) và kiểm soát được lượng thực phẩm ăn vào. Người bệnh nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút, tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng. Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo. Nếu không ăn được thức ăn thông thường, người bệnh có thể chuyển sang chế độ ăn mềm, nhuyễn (như: Cháo, súp...) nhưng vẫn bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Cùng với việc tầm soát phát hiện sớm giúp việc điều trị hiệu quả, Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, dinh dưỡng có tác dụng nâng đỡ thể trạng để giúp người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề. Để bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm các nhóm chất: Đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải cung cấp thêm chất đạm cho khối u phát triển như nhiều người vẫn lầm tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống tế bào ung thư bằng dinh dưỡng hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.