(HNM) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ban hành ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có một đánh giá rất đáng suy nghĩ: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”.
Tại sao trong một tổ chức “chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động” là Đảng Cộng sản Việt Nam lại xuất hiện tình trạng nguy hiểm này? Làm thế nào để san bằng những vết rạn nứt ấy?
Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khi quy định về tổ chức có hai điểm đáng chú ý. Một là, về bản chất của Đảng: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Hai là, về nguyên tắc xây dựng tổ chức Đảng: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình…”.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng và duy trì, nâng cao vai trò, vị trí tổ chức Đảng ở nhiều nơi đã không giữ được hai nguyên tắc căn cốt này; dẫn đến xuất hiện tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ.
Điều lệ Đảng cũng yêu cầu mỗi đảng viên phải “suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”. Song thực tế tại nhiều tổ chức Đảng, những yêu cầu này đã không giữ được. Do để chủ nghĩa cá nhân lấn át lý tưởng cộng sản, nên một bộ phận đảng viên đã rơi vào suy thoái - luôn có những hành vi, việc làm ngược lại với quy định của Điều lệ Đảng.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rất rõ những biểu hiện suy thoái này. Về suy thoái tư tưởng chính trị, đó là các biểu hiện “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng… Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. Về suy thoái đạo đức, lối sống, đó là các biểu hiện: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể… Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ… Thao túng trong công tác cán bộ”.
Từ sự suy thoái cá nhân sẽ kéo theo một mối nguy lớn hơn cho tổ chức Đảng. “Cỏ tìm cỏ, hoa kết hoa” - lúc này bên cạnh số đông những đảng viên trung kiên, trong tổ chức Đảng xuất hiện phe cánh của những người câu kết với nhau vì những quyền lợi không chính đáng.
Nhìn vào một số vụ việc nổi cộm dư luận những năm qua, không quá khó để nhận diện những biểu hiện suy thoái này trong đời sống xã hội.
Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác đã bị xét xử và nhận án về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” để lại bài học sâu sắc về phe cánh và sự suy thoái của người đảng viên.
Việc ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015; ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật vì đã “bổ nhiệm thần tốc” người thân quen… là những bài học điển hình về tác hại của phe cánh trong tổ chức Đảng.
V.v...
Để cho “thứ vi trùng nguy hiểm” mang tên chủ nghĩa cá nhân phát tác, thì chất cộng sản trong người đảng viên ắt bị suy yếu!
Trong cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp càng nhiều phe cánh thì nội bộ càng vụn vỡ!
Làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này?
Trước hết, cần duy trì thực hiện thật tốt các nguyên tắc xây dựng tổ chức Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Những năm gần đây, Đảng ta liên tục sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định về sự tham gia góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Duy trì thực hiện tốt các quy định này, chính là những “liều vắc xin” quý giá để phòng, chống các loại "bệnh" làm suy yếu tổ chức Đảng.
Sau nữa là đặc biệt chú trọng xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong tập thể thông qua làm tốt công tác đánh giá, đào tạo, sử dụng cán bộ. Cần chọn lựa, quy tụ trong tập thể lãnh đạo những cán bộ thật sự đủ đức, đủ tài, cùng chung lý tưởng, hành động. Thông qua tự phê bình và phê bình và đánh giá cán bộ, cần kiên quyết chống những biểu hiện tự cao, tự đại; không khép mình vào tổ chức; tập hợp lôi kéo để “cua cậy càng, cá cậy vây”…
Trong bài viết ngày 26-4-2020 về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khá rõ nét cách thức để tạo nên một tập thể đoàn kết: “Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một ê-kíp, một tập thể thật sự "ăn ý", đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh”. Tổng Bí thư cũng rất lưu ý việc phải chống cho được “tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc…” để không được nhân danh “cơ cấu” mà vận dụng sai lệch làm giảm sức mạnh tổ chức.
Phe cánh cũng là một tập thể người. Nhưng nó là một tập thể chung mục đích của nhóm. Người cầm đầu phe cánh thường là người có chức quyền, và phe cánh vận hành theo kiểu phi nguyên tắc, ràng buộc lỏng lẻo.
Tuy cũng là một tập thể người, song trái ngược với phe cánh - tổ chức Đảng là nơi tập hợp những đảng viên chân chính, những người luôn đặt lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Trong tổ chức Đảng, mọi hoạt động tiến hành theo các nguyên tắc chặt chẽ nhằm bảo đảm chế độ lãnh đạo tập thể, vì lợi ích chung.
Nhận diện rõ sự khác biệt ấy để thêm quyết tâm chống cho được phe cánh, xây dựng những tập thể mạnh; trước mắt là trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.