Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống ngập tại TP Hồ Chí Minh: Giải pháp nhiều, hiệu quả mang lại bao nhiêu?

Gia Bảo| 18/08/2017 06:49

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chống ngập úng tại những khu vực trọng yếu. Tuy nhiên, giải pháp nhiều nhưng hiệu quả chỉ mang tính tạm thời.

Nhiều giải pháp cấp bách

Mới đây, TP Hồ Chí Minh hoàn thành lắp đặt 1 hồ điều tiết đầu tiên tại quận Thủ Đức để chống ngập cấp bách cho khu vực trũng này. Cụ thể, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và đối tác Việt Nam là Công ty VMC Group đã thi công lắp đặt hồ điều tiết thông minh chống ngập nước trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) với thời gian xây dựng chỉ 10 ngày. Hồ điều tiết này được xây dựng ngầm trong lòng đất có sức chứa hơn 100m3 nước mưa. Hồ được tạo thành từ các mô đun cross-wave (tương tự mô hình lắp ghép lego) bằng nhựa polypropylene được lắp ghép chồng lên nhau. Khi hoạt động, hồ nhận nước từ đường cống dẫn nước mưa và khi lượng nước đầy sẽ tự thoát nước thừa ra ngoài theo đường ống khác.

Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đang được thực hiện.


Theo ông Trần Văn Chín, Chủ tịch Hội đồng quản trị VMC Group (đơn vị đầu tư), sau khi hoạt động thực tế, công ty sẽ đánh giá hiệu quả cụ thể và kiến nghị chính quyền thành phố triển khai nhiều hồ điều tiết tương tự để chống ngập cấp bách cho những khu vực trọng yếu trên địa bàn.

Tương tự, để giải quyết ngập, chính quyền thành phố đã cho phép Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đầu tư lắp đặt và thí điểm hoạt động “siêu máy bơm” chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Hệ thống máy bơm này có công suất gần 100.000m3/giờ (cao hơn 30 lần so với máy bơm thông thường), được hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng ngập tại đây. Hiện chủ đầu tư đang lắp đặt máy bơm ở cửa xả cống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông Sài Gòn (gần cầu Thủ Thiêm). Theo đánh giá, nếu trận mưa cường độ 100mm kéo dài trong 2 giờ thì máy bơm hoạt động 1 giờ sẽ hút hết lượng nước ngập. Để bảo đảm thành công của dự án, chủ đầu tư cam kết sẽ bỏ ra toàn bộ chi phí đầu tư công nghệ, máy móc, lắp đặt, vận hành… nếu không thành công tự chịu trách nhiệm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho hay, các công nhân đang làm việc liên tục 3 ca/ngày để sớm đưa hệ thống vào hoạt động thử nghiệm. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết mưa nhiều, triều cường dâng cao nên ảnh hưởng đến tiến độ chung. Do vậy, nhanh nhất cũng phải cuối tháng 8 này, hệ thống bơm thông minh này mới có thể vận hành được.

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, trước đó, thành phố lắp 1 máy bơm ly tâm nhưng do công suất chỉ gần 3.000m3/giờ nên không giải quyết được lượng nước ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Cần giải pháp tổng thể

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), hồ điều tiết là một trong những giải pháp nhằm chứa nước mưa đã được ứng dụng tại nhiều nước. Khi mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước thì có thể áp dụng giải pháp này. Tuy nhiên, PGS.TS Hồ Long Phi cho rằng, giải pháp trên chỉ hỗ trợ và bổ sung thêm cho các giải pháp chống ngập và chỉ chống ngập cục bộ. Thời gian tới, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể như: Đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, quy hoạch hạ tầng, công trình thủy lợi...

Cũng theo ông Nguyễn Tăng Cường, khi vận hành hệ thống bơm thông minh chỉ giải quyết được tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuy nhiên, với các con hẻm dọc tuyến đường cần kết hợp các giải pháp tổng thể của cơ quan chức năng và hệ thống thoát nước kết nối với đường Nguyễn Hữu Cảnh thì mới giải quyết được ngập ở những vị trí này.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho hay, dùng hồ điều tiết trên chỉ sử dụng thành công tại những khu vực chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh để hỗ trợ cho việc tiêu thoát nước mưa tạm thời chứ không giải quyết hết ngập, còn máy bơm cũng vậy, chỉ đảm nhiệm hút nước nhanh khi xảy ra ngập. Về cơ bản vẫn phải thực hiện các giải pháp chống ngập theo quy hoạch Nhà nước đã đề ra và bảo đảm thực hiện đúng theo lộ trình.

Để giải quyết bài toán chống ngập, giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh dự trù chi gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 82.000 tỷ đồng cho quy hoạch tổng thể thoát nước và 15.000 tỷ đồng cho thủy lợi chống ngập úng. Đến đầu năm 2017, thành phố còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp quận, huyện quản lý; 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn phân cấp Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố quản lý và 9 điểm ngập do triều cường. Riêng 40 điểm ngập do mưa, có 23 điểm đã giải quyết bằng biện pháp cấp bách.

Trong giai đoạn 2016-2018, thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa tại 8/17 tuyến đường và 60/179 tuyến hẻm. Tiếp đó, giai đoạn 2019-2020, thành phố sẽ xóa ngập thêm 5/17 tuyến đường và cho 119 tuyến hẻm còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống ngập tại TP Hồ Chí Minh: Giải pháp nhiều, hiệu quả mang lại bao nhiêu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.