(HNM) - Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và môi trường đầu tư.
Điều này đã được nêu ra tại hội nghị "Chống hàng giả, bảo vệ quyền SHTT và vai trò của DN", do Báo Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công thương) tổ chức ngày 25-5 tại Hà Nội.
Lực lượng liên ngành kiểm tra bắt giữ hàng lậu tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội). |
Hàng giả, hàng nhái len lỏi khắp nơi
SXKD hàng giả đã trở thành vấn đề toàn cầu. Theo Phòng Thương mại quốc tế (một tổ chức phi chính phủ), hàng giả hiện chiếm 5-7% thương mại toàn cầu. Riêng với ngành Dược phẩm, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 30% lượng thuốc tiêu thụ ở các nước đang phát triển là hàng giả. Hậu quả là mỗi năm trên thế giới có ít nhất 700.000 người chết vì thuốc giả. Ở Việt Nam, các hành vi SXKD hàng giả ngày càng tinh vi, tăng cả về tính chất, quy mô, mức độ. Riêng năm 2015, lực lượng QLTT đã phát hiện 25.123 vụ SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT; xử phạt hành chính hơn 68 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 536 tỷ đồng. Phần lớn hàng giả, hàng nhái tập trung ở lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, điện máy, phân bón, dược phẩm, mỹ phẩm…
Vậy nhưng, theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, kết quả xử lý kể trên chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường. Đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên - vật liệu, linh kiện, bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở nơi khác; sau khi có đơn đặt hàng mới gắn nhãn mác giả, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó… Đối tượng vi phạm cũng đa dạng, cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các khu dân cư, làng nghề, vùng nông thôn… nên rất khó phát hiện.
Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ răn đe, chủ yếu vẫn là xử phạt vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ. Nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện phục vụ kiểm tra, kiểm soát, chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Trọng Tín, không ít DN, chủ thể bị xâm phạm quyền SHTT chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng. Ý thức cộng đồng về chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT còn nhiều hạn chế.
Doanh nghiệp nên chủ động đăng ký bảo hộ sản phẩm
Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, bảo hộ quyền SHTT đang là vấn đề làm "đau đầu" các nhà chức trách. Tuy nhiên, hiểu biết của DN Việt Nam về thực thi quyền SHTT còn khá mơ hồ. Theo phân tích của luật sư Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng phòng Nhãn hiệu và Xử lý vi phạm - Công ty INVESTIP, nguyên do là DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, phần lớn chưa có nhân sự chuyên trách về SHTT, chống hàng giả nên việc phối hợp với cơ quan chức năng thường thụ động. Hơn nữa, việc đầu tư tài chính và công nghệ để phòng ngừa hàng giả của các DN rất hạn chế. Khi phát hiện vi phạm thì biện pháp xử lý hành chính được các DN ưu tiên lựa chọn thay vì khởi kiện bởi e ngại thủ tục tại tòa án phức tạp, phiền hà, "được vạ má sưng". Luật sư Nguyễn Anh Ngọc kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi những quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất; tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi SXKD hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Riêng với lĩnh vực thực thi quyền SHTT, cần phải thành lập một cơ quan quốc gia làm đầu mối, điều phối và duy trì sự phối hợp giữa các bộ, ngành và DN.
Ông Nguyễn Trọng Tín cho biết, lực lượng QLTT đang tăng cường giám sát, đánh giá thị trường, xây dựng phương án đấu tranh hiệu quả với SXKD hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT. Theo đó, các chi cục QLTT địa phương sẽ tập trung nguồn lực, chủ động kiểm tra, xử lý theo chuyên đề trọng điểm, vấn đề nổi cộm, nhất là mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Về phía DN, ông Tín đề nghị chủ động đăng ký bảo hộ sản phẩm, đầu tư công nghệ chống làm hàng giả, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng giả - hàng thật; đồng thời, quản lý tốt hệ thống phân phối hàng hóa, chủ động phối hợp với cơ quan thực thi để sớm phát hiện, ngăn chặn hàng giả. Làm tốt điều này, một mặt bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, mặt khác bảo vệ cho chính DN trước nạn hàng giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.